Ước mơ đã tròn
Ca sĩ Đông Đào giờ đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn, chủ đầu tư dự án Nhà máy nước sạch Cần Giờ (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM). Hỏi về cơ duyên nào mà một ca sĩ lại đi xây nhà máy nước, mà là nhà máy xử lý nước lợ, chuyện chưa ai làm ở vùng đất thừa nước mặn như Cần Giờ, Đông Đào bộc bạch: “Cách nay hơn 10 năm, Đào thường xuyên đi lưu diễn phục vụ bà con nghèo ở Cần Giờ, chứng kiến cảnh người dân nơi đây hứng từng xô nước mưa để dành nấu ăn. Khi anh chị em trong đoàn cần nước tắm để chuẩn bị biểu diễn, thì hỡi ôi, phía sau nhà khách của huyện Cần Giờ, hồ chứa nước chỉ còn toàn là cặn. Một suy nghĩ thoáng trong đầu, ước gì sau này mình có thể làm được điều gì đó cho người dân nơi đây giảm bớt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt này”.
Nhà máy xử lý nước lợ thành nước ngọt đầu tiên tại TP.HCM - Ảnh: M.Vọng
Và ước mơ đó của Đông Đào sau hơn 10 năm đã thành hiện thực, với sự hỗ trợ của ông xã - anh Denny Dang. Ca sĩ Đông Đào cho biết: “Năm 2005, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 141 kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp nước, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nước sạch của thành phố. Đó cũng là lúc công ty của ông xã Đào bên Mỹ chính thức làm đại diện cho Severn Trent - một tập đoàn chuyên về xử lý nước nổi tiếng trên thế giới. Đào nắm bắt ngay thời cơ và chọn Cần Giờ là nơi đầu tiên để xây dựng nhà máy nước. Ban đầu Đào cũng lo lắng dữ lắm, bởi vì việc xử lý nước lợ thành nước ngọt từ trước đến nay tại Việt Nam chưa có ai làm, mặc dù trên thế giới người ta thậm chí đã xử lý cả nước biển thành nước ngọt. Rồi lại thêm đắn đo bởi vì mọi người không tin rằng Đào sẽ làm được...”.
Nhưng Đông Đào đã quyết chí làm. Cô ca sĩ lặn lội xuống nhiều vùng ở Cần Giờ để khảo sát thực tế. Đến sông Soài Rạp để lấy mẫu nước kiểm nghiệm, kết quả không khả quan vì sự ô nhiễm từ các khu công nghiệp và rác thải. Qua sông Nhà Bè thì thấy vị trí không thuận lợi cho việc cung cấp nước cho huyện Cần Giờ. Cuối cùng, sông Lòng Tàu là nơi Đông Đào chọn để xây dựng nhà máy nước. Khi bắt tay vào xây dựng, công ty của Đông Đào đã phải nhập về một nhà máy nước mini công suất 300m3/ngày để cung cấp nước trong suốt thời gian thi công.
Biến nước lợ thành nước tinh khiết
Nhà máy nước sạch Cần Giờ có công suất giai đoạn 1 là 5.300m3 nước/ngày và sẽ nâng công suất trong giai đoạn 2 lên 10.300m3 sau 9 - 12 tháng nữa. Tại nhà máy còn có dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai và đóng bình, với công suất 6.000 chai và 200 bình/giờ. Vào tháng 8 tới đây, thiết bị nhà máy đóng chai sẽ được chuyển lên tàu từ Mỹ về Việt Nam và khoảng tháng 9 năm nay sẽ đi vào sản xuất nước uống tinh khiết. Tổng giá trị nhà máy nước sạch là 8,5 triệu USD và nhà máy lọc - đóng chai nước tinh khiết là 1 triệu USD. Đông Đào cho biết, thiết bị lọc nước của nhà máy theo công nghệ thẩm thấu ngược (R.O), lọc được tất cả các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe, và lọc được cả nước biển. Sông Lòng Tàu, nối liền sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chảy ra biển, có nguồn nước quanh năm dồi dào và ít ô nhiễm hơn những nơi khác. Hơn nữa, nơi đây thuận tiện cho việc vận chuyển nước đi khắp các xã trong huyện, bởi vì hệ thống phân phối nước huyện Cần Giờ chủ yếu bằng sà lan.
Giảm giá nước cho Cần Giờ
Ông Đặng Văn Thiện, Giám đốc Công ty dịch vụ công ích huyện Cần Giờ, đơn vị vận chuyển nước sạch cung cấp cho toàn huyện cho biết: Từ trước tới giờ, nước sạch được chở bằng sà lan từ Tân Thuận (Q.7) về cung cấp cho người dân Cần Giờ với quãng đường từ 20-72 km. Thời gian cho mỗi chuyến sà lan có khi mất 16-18 tiếng. Do vậy, mỗi mét khối nước từ Q.7 về tới Cần Giờ, nhà nước phải bù giá bình quân là 23.000 đồng cho chi phí vận chuyển. Năm 2007, TP.HCM đã hỗ trợ tiền vận chuyển nước cho huyện Cần Giờ là 33 tỉ đồng. Năm nay, huyện Cần Giờ dự kiến tiêu thụ 1,8 triệu mét khối nước và giá nước cho Cần Giờ dự kiến sẽ giảm từ 5.000 đồng/m3 hiện nay xuống 2.700 đồng/m3, thì tổng số tiền hỗ trợ vận chuyển sẽ tăng lên khoảng 50 tỉ đồng. Ông Thiện nói, nhà máy nước Cần Giờ sẽ tạo nguồn nước sạch tại chỗ, giảm giá thành vận chuyển và bổ sung nguồn nước thiếu hụt trong mùa khô cho thành phố. Đông Đào cho biết, giá nước mà Công ty Đặng Đoàn Nguyễn đề nghị là 15.400 đồng/m3 là đã bao gồm hỗ trợ phí vận chuyển. Theo chủ trương kêu gọi xã hội hóa cấp nước của TP.HCM, thì số tiền khấu hao tài sản được hình thành từ vốn vay mà công ty đầu tư sẽ được ưu đãi khấu hao theo thời hạn vay tiền làm dự án. Vì vậy, với giá nước như trên thì TP.HCM chỉ tiếp tục trợ giá vận chuyển khoảng 5 năm, sau khi nhà máy đã trả hết nợ vay sẽ tính giá nước giống như nội thành. M.V
Bình luận (0)