Cái nhìn khác về bơi

22/06/2010 10:53 GMT+7

Sinh ra, nuôi nấng một đứa trẻ, khi trẻ lên sởi, mọc răng hay nóng sốt là các bậc làm cha mẹ đã quýnh lên trong âu lo, phấp phỏng. Ấy vậy mà, chúng ta, bởi nhiều lý do, hầu như không mấy ai thấy và tin rằng trên đất nước này, mỗi năm hơn 12.000 người, phần lớn là trẻ em thiệt mạng vì tai nạn sông nước.

Trong ba năm từ 2005-2007, đã có hơn nửa triệu trẻ em bị tai nạn, trong số đó hơn 50% do chết đuối. Chỉ ba năm ta đã mất đi số nhân mạng nhiều hơn dân số của huyện Ninh Hòa (Nha Trang).

Việt Nam đang chiếm giữ một kỷ lục: Số trẻ em chết đuối cao gấp 10 lần các nước đang phát triển.

Con chung chẳng ai khóc

Là người theo sát đề tài này, theo dõi bài trả lời phỏng vấn của người có chức trách lớn khi được hỏi về vấn đề này thì phần lớn là những “chúng tôi thấy là khó”, “chúng tôi sẽ lưu tâm” rồi mọi việc lại yên ả sau khi báo đăng.

Vui chỉ là vui chốc lát khi nhận thấy, cho dù có xây được cả chục cây cầu hoặc tặng mỗi em một cái áo phao thì chỉ là biện pháp ứng phó thụ động.


Đuối nước, nguy cơ rình rập tuổi thơ

Qua vài điểm sáng

Từ đồng bằng sông Cửu Long, Tổng giám đốc Cty cổ phần đầu tư xây dựng Sao Mai Lê Thanh Tuấn bày tỏ quan ngại này trong một lá thư gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2008 nêu khá đầy đủ thực trạng này.

Tại Hà Nội, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn gần như dẹp qua một bên sự nghiệp chính trong ngành Hóa dầu của mình, lập website, tạo ra nhiều mô hình, vận động nhiều kênh truyền thông để quảng bá các phương pháp bơi hiệu quả đến cho mọi người. Đến nay, lớp trẻ Hà Nội, TPHCM đang dần quen với đề tài “e-boi” của ông trên internet. Hàng ngàn người theo học phương pháp khoa học, độc đáo, đơn giản của ông nay đã biết bơi.

Ở TPHCM, Giám đốc Cty Cổ phần An Tiêm Huy Cường đã kết hợp với các thầy dạy bơi ở quận 12, mày mò tìm ra giáo trình đơn giản, ngắn gọn, hợp lý nhất để phổ cập môn bơi cho các em. Ông cũng đã gõ cửa các cơ quan hữu trách thế giới để xin được tiếp sức trong những hoạt động này.

Một số trường phổ thông tại quận 9 TPHCM, từ những năm 2004 trở lại đây đã kết hợp với khu du lịch Suối Mơ, tận dụng bể bơi của họ rồi dạy luân phiên cho nhiều học sinh biết bơi.

Tiếc rằng, những hoạt động này, dù nhiệt tâm đến mấy, nhưng không được kết nối lại, không được quan tâm ở cấp vĩ mô, chưa được đề cập, tiếp nhận như quy mô của một quyết sách thì khả năng nó tồn tại, phát triển là rất mong manh.


Em Trần Huy Hoàng, học sinh trường tiểu học Tân Trụ, Tân Bình, TPHCM học bơi


Cần thay đổi triết lý về bơi

Coi cuộc trả lời phỏng vấn của các chức sắc và khi tham khảo những người tâm huyết khả năng đưa môn bơi vào chương trình phổ thông, cách làm xem như có lý nhất trong bối cảnh Việt Nam ta, một nét chung là cách nhìn nhận khó khăn của việc này khi các thầy dạy thể dục cũng chưa được học bơi, điều kiện bể bơi, thời gian học bơi v.v… Đủ thấy rằng, đã có vướng mắc gai gợn ngay từ khâu hình thành khái niệm về bơi.

Thực ra, để giải bài toán chống chết đuối người ta dễ dàng “điều chỉnh” khái niệm này theo hướng cực kỳ đơn giản, đến mức nó trở thành chìa khóa vàng giải quyết toàn bộ vấn đề này.

Đó là một cách nghĩ mới về bơi, khái niệm mới về bơi: Bơi không cần giỏi, bài bản; Bơi không để lấy thành tích.

Bơi là khả năng các em tự nổi, tự xoay xỏa được trên mặt nước từ 10 phút trở lên.

Theo các nhà cứu nạn, nếu tồn tại được 2 phút sau tai nạn khả năng được cứu sống sẽ tăng lên 30%. Nếu tồn tại được 5 phút, khả năng được cứu sống tăng lên 70%.

Mười phút nhỏ nhoi này còn có một ý nghĩa khác: nó như một thứ bản cửu chương trong toán học. Theo quan sát của tôi với thực tế ở vùng ven sông Hồng, nếu trẻ biết nổi trên mặt nước, dù chỉ là 5 phút thì chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ biết bơi trong vài tuần bằng cách tự học, tự rèn thêm. Nét này nằm trong đặc tính của tuổi thơ như việc tập xe đạp. Gần 100% trẻ em dọc sông Hồng ở Sơn Tây, Phú Thọ biết bơi mà không hề được dạy bài bản. Ở Úc, gần 100% thiếu niên biết bơi. Điều này rất đáng tham khảo.

Như vậy, để đạt mục tiêu “tự xoay xỏa, tự nổi” như nói trên không phải bài toán quá khó, khó đến mức cứ đóng băng hàng chục năm nay.


Ngày hè ở biển


Ba giờ và sáu trăm giờ

Quan sát nhóm khảo sát ở TPHCM, với nhóm trẻ10 tuổi thuộc diện nhát nước, hơi khó dạy (chiếm 30%), cũng chỉ mất chừng ba giờ thì đạt mục tiêu tự nổi được.

Với nhóm dạn nước, nhất là với em trai, nếu được tiếp thị bằng hình ảnh mẫu: cho một vài em biết bơi đợt trước biểu diễn, khơi gợi hứng thú rồi tiếp tục thật điềm đạm, sư phạm thì các em chỉ mất một giờ là tự nổi được. Sau “giờ vàng” này, cho các em sang khu vực an toàn, tự phát huy rồi khi hết giờ, tập lại chừng mươi phút là xong. Em Trần Huy Hoàng, học sinh trường tiểu học Tân Trụ quận Tân Bình sau vài giờ học, đã tự rèn để có thể bơi không cần tay qua gần năm chục thước.

Một bể bơi của khu dân cư nào đó trong đô thị, mỗi ngày thường có quỹ thời gian trống để cho các trường sở kết hợp, tận dụng là khoảng 8 giờ trong ngày (từ 6 giờ đến 10 giờ sáng, từ 4 giờ đến 6 giờ chiều). Nếu phía nhà trường biết lập trình mềm dẻo, 2 thầy mỗi ngày có thể kèm được hai chục em. Một năm học là một trường khoảng 1.000 học sinh biết bơi.

Hiện nay, mỗi học sinh từ lớp 3 đến khi ra trường, phải học gần 600 giờ với môn thể dục.

Nhà nước, ngành giáo dục đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng cho việc đào tạo hàng chục ngàn giáo viên thể dục; nhưng bởi từ cấp vĩ mô, từ cung cách giáo dục hiện thời ta quên mất môn bơi này nên sau ngần ấy giờ, ta không đạt được cái cần đạt là bỏ ra ba giờ để loại bỏ nguy cơ mất một mạng sống như nói trên. Hình như ta đã quá quen với một khái niệm bất thành văn “Dạy thể dục là dạy các vận động cơ thể ngoài việc dạy bơi”.

Ý kiến nêu lý do có các thầy cô không biết bơi hoặc không thể dạy bơi thì cần xem xét lại. Một đất nước có hai ngàn cây số bờ biển và hàng trăm ngàn kilômét sông rạch cần kỹ năng bơi của thầy, của trò hơn là 600 giờ vươn vai, dập gót, uốn sườn như cách dạy, học hiện nay.

Việc cập nhật cho lực lượng đã gọi là “thầy giáo thể dục” biết bơi không khó hơn việc bồi dưỡng, chuyên tu, hàm thụ lên đại học của hàng chục ngàn giáo viên thế hệ trước năm 1995.

Không thể tồn tại mãi cảnh mỗi năm đến hè những dòng tin trên báo chí gần như thường xuyên thông báo về việc vài mạng sống của trẻ thơ vừa bị tế thủy thần nữa.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.