Cẩm Giang khát... cầu

15/01/2010 15:27 GMT+7

Đã bao đời nay, cứ đến mùa mưa lũ là người dân xã Cẩm Giang (huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá) luôn phải sống trong cảnh lo lắng. Học sinh lo không thể sang sông đến lớp, thầy giáo lo không có học trò.

Nông dân lo không thể chuyển nứa, luồng sang sông, hay chuyện hết gạo cũng đành bất lực. Mùa lũ về, các thầy và trò nhìn nhau ngao ngán, những đợt sóng cuồn cuộn của dòng sông Mã như muốn cuốn trôi tất cả những gì trên đường đi của nó. Nỗi niềm khao khát, mong ước bấy lâu nay của người dân lại trỗi dậy, kèm theo những tiếng thở dài chua chát "ước gì có một cây cầu".

Những chuyến đò chở chữ

Sau khi phải đánh vật với con đường đất nhão nhoét dài ngoằn ngoèo trong cái lạnh như cắt da cắt thịt, chúng tôi có mặt ở bến đò Cáp vào khoảng 6h sáng. Bầu trời vẫn còn tối mịt bởi màn sương nặng trĩu càng làm cho con đường dài hun hút. Trong màn sương mờ mờ, ảo ảo ấy, con đò nhỏ từ từ xuất hiện và tiến vào bờ. Như thường ngày, mọi người không còn lạ lẫm gì khi trên chiếc đò đầy ắp những em học sinh mặc trên mình đồng phục của cấp 3 trường huyện. Cùng thời điểm này, so với những bạn bên sông kia có thể nằm thêm một chút trong chăn ấm, thì những em học sinh ở xã Cẩm Giang phải dậy sớm hơn rất nhiều để kịp giờ lên lớp.

Vuốt vội mồ hôi trên trán, vừa dựng chiếc xe vào chỗ để xe, em Cao Văn Sinh vừa tâm sự: “Bọn em từ ngày lên cấp 3 thì phải sang bên trường huyện ở thị trấn Cẩm Thuỷ học, vì xã chỉ có trường cấp 1 với cấp 2 thôi. Nhà em ở mãi làng Phú Lai nên em phải dậy từ 4h sáng, sau khi được mẹ em chuẩn bị đùm cơm mang theo thì em và các bạn trong làng phải đạp xe hơn 10km nữa mới đến được đò. Vất vả bọn em không sợ, nhưng chỉ sợ nhỡ đò muộn học thôi, chị ạ”.

Sinh còn cho biết thêm, nếu trên đường về nhà mà bị trễ đò còn không lo, chứ lúc đi mà chậm chân vài ba phút, đò chạy thì phải chờ thêm 20-30 phút là chuyện bình thường. “Nên bọn em đi học cứ phải ra chờ đò sớm hơn một chút, chứ không thì thầy, cô lại ghi vào sổ đầu bài ngay vì cái tội đi học muộn, mất điểm lắm” - một học sinh ngồi đầu góc đò thở dài.

Lúc này đã 7h15 phút sáng, nhưng vẫn có rất nhiều học sinh đứng chờ đò sang sông đi học. Những đôi mắt trên khuôn mặt hồn nhiên ấy đã từ lâu nhuộm màu lo lắng, ngóng  trông. Lo muộn học, lo không tiếp thu bài vở được như các bạn cùng lớp. Các em chỉ biết đứng nhìn, đưa ánh mắt đến bờ bên kia và cùng chung một ước ao: “Giá như có một cây cầu”.

Tâm sự với chúng tôi khi đang chèo đò qua đón các em học sinh còn lại, bác Cao Hùng Mạnh - chủ bến đò Cáp - tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, cứ 6h sáng là học sinh ùa về bến đậu để chờ đò. Ngoài đò Cáp này còn có đò Mổ, đò Sản Xuất chở các em và người dân. Tuy nhiên vì học sinh quá đông, nên thường 7h30 phút mới hết được. Thương các cháu lắm cô ạ, cuộc đời mình đã khổ nhiều rồi, bây giờ thấy bọn trẻ ham học thế nên mình cũng phải cố gắng, dù mưa hay nắng cứ đến giờ là chạy thôi”.

Mang theo tình yêu thương, lòng nhiệt tình, tâm huyết của mình đến giảng dạy cái chữ cho con em nơi xã đảo, cô Đỗ Thị Thuỷ – giáo viên Trường THCS Cẩm Giang - cho biết: “Cả trường có 25 cán bộ giáo viên, nhưng chỉ có 7 giáo viên là người địa phương, còn lại 18 người là các thầy, cô ở địa phương khác đến dạy, chưa kể giáo viên các trường cấp 1 và mầm non ở xã”.

Một thực tế cho thấy, hiện nay có gần 80% số giáo viên đang giảng dạy ở xã Cẩm Giang là người ngoại xã. Điều đó tỉ lệ thuận với số lần giáo viên phải ngày ngày lênh đênh trên đò sang sông dạy học. Nhưng có lẽ chưa một ai dù chỉ nhẩm tính, vì từ trước đến giờ cái sự học của con em xã đảo Cẩm Giang nhất thiết phải cập hai bến ở hai bên bờ sông Mã trước tiên.

Đừng để vụt tắt những ước mơ!

Đôi bờ cách trở, hệ lụy đủ điều mà bao đời nay thầy, trò và người dân xã Cẩm Giang phải gánh chịu. Hơn 80% số giáo viên ngoài xã đang ngày ngày sang sông để dạy con em nơi xã đảo Cẩm Giang. Vất vả, gian truân là thế, nhưng đứng trước một thực trạng đáng lo ngại hơn là vẫn còn gần 50% số giáo viên hợp đồng các trường của xã. Tình yêu thương, lòng nhiệt huyết của các thầy, các cô có phần bị ảnh hưởng. Đặc biệt chất lượng giáo dục ở nơi đây cũng bị tác động, thậm chí có thầy, cô đã có thâm niên trên chục năm “gõ đầu trẻ” mà vẫn chưa được vào biên chế, mà chỉ hưởng lương hợp đồng trên dưới 600.000 ngàn đồng/tháng.

Trong lúc đi đò khi được hỏi về vấn đề này, cô Thuỷ – giáo viên Trường Trung học cơ sở Cẩm Giang - đưa ánh mắt buồn về bên kia, tâm sự: “Các thầy, cô ở đây, ngày hai lần qua đò sang sông đi dạy. Có hôm dạy cả ngày phải ở lại, nếu đi về, nhà xa, lỡ đò lại muộn giờ đứng lớp. Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa, đường trơn nước lại lên dắt được xe xuống, lên đò là cả một vấn đề. Thầy, cô nào ở gần đây thì còn may mắn, chứ có những cô, thầy nhà ở tận bên Ngọc Lặc cách trường gần 50km, chưa kể qua đò, qua sông mùa mưa gió khổ lắm”.

 
Đã lâu lắm rồi người dân trong làng phải đi đò bằng tre nứa.

Ông Lường Văn Nhãn - Phó Chủ tịnh UBND xã Cẩm Giang - cho biết: “Cẩm Giang chúng tôi trước kia chưa được quan tâm nhiều và đúng mức. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều chính sách hỗ trợ cán bộ giáo viên sang Cẩm Giang giảng dạy xã hỗ trợ 100% chi phí đò cho giáo viên, tạo điều kiện chỗ ăn, chỗ ở cho những người ở nhà xa khi mưa gió, bão lũ. Còn về phần quá nhiều giáo viên đang trong diện hợp đồng cũng đang là vấn đề nan giải. Chúng tôi cũng đang kiến nghị lên huyện, thành phố trong thời gian tới làm cách nào giảm bớt diện hợp đồng để thầy, cô yên tâm công tác”.

Vào tháng 7 - tháng 8, trời mưa nước từ thượng nguồn đổ về, cuộc sống người dân xưa đã khổ nay càng khổ hơn, khó khăn hơn rất nhiều. Ông Cao Hồng Thái - cán bộ văn hoá của xã Cẩm Giang - cho biết: “Lũ về, nước sông đục cả ngày cuồn cuộn, thuyền đò không dám qua sông. Cảnh giáo viên, học sinh đi đến bến rồi trở về là chuyện bình thường”.

Hằng năm, vào mùa nước cạn, mặt sông chỉ rộng khoảng 120m, nhưng thuyền không vào gần bờ được do vướng vào các cồn cát, người dân phải đóng thêm cầu tre ra chỗ nước sâu làm bến đỗ thuyền cho thầy, trò và người dân xã Cẩm Giang lên bờ. Mỗi lần như vậy tiêu tốn gần 10 triệu đồng, chưa kể công sức của người dân bỏ ra. Vài năm về trước, đã xảy ra tai nạn lật đò làm hai em học sinh lớp 11 bị chết đuối, hàng hoá bị nước cuốn trôi. Mùa lũ về thì mặt sông có thể rộng gần 300m, nước lũ dâng cuồn cuộn. 

Bác Cao Hùng Mạnh - người đã chèo đò 20 năm nay - cho biết: “Chỗ sâu nhất của dòng sông này có thể lên đến 15m, dòng nước chảy xiết có thể cuốn trôi tất cả mọi thứ trên đường nó đi qua”.  Không chỉ có thế, lũ cuốn theo những cây gỗ to trôi nổi trên sông, nếu va vào thuyền thì vô cùng nguy hiểm.

Chị Nông Văn Hương - có con gái là Đỗ Thị Sen đang học lớp 12 trường bổ túc - cho biết: “Mỗi ngày tôi phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị các thứ cho con đi học sớm, đến chiều 1 giờ nó mới về được để ăn cơm. Có nhiều hôm vì phải học cả ngày nên tôi phải đùm cơm, muối vừng hay cá khô cho cháu ăn trưa”.

Thiếu một cây cầu mà 1.044 hộ dân của xã Cẩm Giang chưa thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Số học sinh học hết cấp 3 là rất ít. Còn từ cao đẳng, đại học thì đến nay trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Cao Văn Lý – thợ mộc - tâm sự: “Đã lâu lắm rồi, từ xưa người dân trong làng phải đi đò bằng tre nứa. Mãi đến 2 năm nay mới có đò sắt để đi, nhưng khổ lắm. Ở xã này đa số thanh niên đi vào miền Nam làm ăn, vì ở đây muốn kiếm một công ăn việc làm ổn định là rất khó. Đường sá khó khăn làm ảnh hưởng đến công việc, nên rất dễ bị chủ khiển trách và đuổi việc. Họ chỉ còn cách xa quê hương để làm ăn thôi”.

Nếu có một cây cầu thì việc chuyển một xe mía hay luồng qua sông không cần mất một buổi sáng, khi phải bó từng bó nhỏ qua thuyền rồi mới đưa được lên xe ôtô. Hay chuyện những người đau ốm đi cấp cứu trong đêm khó mà qua sông vì không có thuyền. Việc thường xuyên đến được trung tâm huyện để sinh hoạt đoàn thể, văn hoá hay đi chợ với bà con cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và đặc biệt sẽ không còn cảnh thầy, trò xã Cẩm Giang phải đùm cơm nắm, cá khô đi “gieo” cái chữ cho đời.

Xã Cẩm Giang nằm cách trung tâm huyện Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá chưa đầy 5km. Với 1.044 hộ và 4.421 khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 835 hộ và 3.538 khẩu. Toàn xã có gần 300 em học sinh học cấp 3. Hằng năm, cứ mùa lũ về thầy, trò và người dân xã đảo Cẩm Giang gần như bị cô lập hoàn toàn. Phương tiện duy nhất giúp nối kết toàn xã với thế giới bên ngoài là những chiếc đò ngang chông chênh trước dòng lũ dữ.

Sơn Hải – Thu Diệp/ Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.