Cán bộ thú y 'biến' lợn bệnh thành lợn ngon

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
22/03/2018 06:27 GMT+7

Thực trạng này xảy ra tại Quảng Bình, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh rất cao.

Từ phản ánh của bạn đọc, PV Thanh Niên đã vào cuộc và phát hiện nhiều bất thường trong quy trình giết mổ lợn và kiểm dịch suốt thời gian dài.
Theo tìm hiểu của PV, cả tỉnh Quảng Bình hiện có 3 lò giết mổ gia súc tập trung, đều ở tại TP.Đồng Hới. Trong đó, 2 lò có giấy phép hoạt động của Công ty TNHH SX-TM Hải Dương (P.Bắc Nghĩa), gồm Hải Dương 1 (tại tổ dân phố 1 Phương Xuân) với số lượng giết mổ hơn 100 con/ngày và Hải Dương 2 (tại tổ dân phố 3) với số lượng hơn 10 con/ngày; lò còn lại không phép nằm tại xã Lộc Ninh. Cả 2 lò của công ty dù có phép nhưng khá xập xệ, xuống cấp và dơ bẩn; hệ thống nền, sàn, tường hoen ố. Trả lời câu hỏi vì sao không đầu tư nâng cấp lò, ông Nguyễn Văn Dương, chủ lò mổ, nói: “Đầu tư lỗ và quan trọng là mọi việc diễn ra trước mắt lực lượng thú y nhưng họ không có ý kiến gì, họ mặc nhiên bỏ qua. Một thời gian dài tôi liên tục đấu tranh để cải thiện cơ sở vật chất, quy trình giết mổ, kiểm dịch nhưng không ai hợp tác, từ thú y cho đến người giết mổ (?!)”.
Kiểm dịch qua loa ở lò, đóng dấu thú y tại chợ !
Bất lực với lò mổ không phép ?
Với lò mổ có phép, việc kiểm dịch còn qua loa nên không khó hiểu khi lò không phép ở xã Lộc Ninh (giết mổ hơn 10 con/ngày) hoạt động suốt thời gian dài mà các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa giải quyết được. Thịt không dấu thoải mái đưa ra thị trường tiêu thụ, trong khi lò mổ xả thẳng chất thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng…
Tại lò mổ Hải Dương 1, có 3 cán bộ thú y luân phiên nhau làm nhiệm vụ đóng dấu hằng ngày, gồm: Phan Xuân Phong, Hoàng Mạnh Khang, Lại Thị Thanh Phương (thuộc Trạm chăn nuôi và thú y Đồng Hới). Theo quy định tại Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, cán bộ thú y phải thực hiện chặt chẽ nhiều bước để kiểm soát, như: kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ; kiểm tra việc thực hiện các quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ, trang phục bảo hộ trong lúc làm việc; kiểm tra lâm sàng động vật trước giết mổ; kiểm tra sau giết mổ, thân thịt, phủ tạng sau giết mổ phải được tiến hành kiểm tra ngay sau khi tách phủ tạng…
Thực tế, quy trình làm việc của các cán bộ thú y trên chẳng giống quy định của Thông tư 09 chút nào. Hằng ngày, họ tới lò mổ nhưng hầu như chỉ ngồi chơi, thỉnh thoảng lại cầm hộp dấu đi một vòng đóng dấu, còn các công đoạn khác để mặc lò và người giết mổ làm gì thì làm. Trong khi đó, người giết mổ đi lại lộn xộn, mang ủng giẫm đạp từ chỗ này qua chỗ kia, kể cả lên phản thịt rất mất vệ sinh.
Lúc 5 giờ 10 ngày 29.11.2017, một phụ nữ mặc áo vàng ngồi lên giữa bàn đầy thịt để xẻ pha lóc. Cùng lúc, một người đàn ông mặc áo xanh nhảy tót lên bàn để kéo thịt lên. Mọi việc diễn ra trước mặt bà Lại Thị Thanh Phương nhưng không hề có sự nhắc nhở. Việc duy nhất của bà là thỉnh thoảng với tay vào bàn để đóng dấu lên thịt. Ngày 1.12.2017, nhiều người đứng đạp đế ủng bẩn lên bàn để thịt, trong khi một số người mổ xẻ thịt ngay dưới nền lò mổ dơ bẩn nhưng cán bộ thú y Phan Xuân Phong đứng cạnh đó vẫn cầm dấu đóng lên thịt bình thường…
Lợn có triệu chứng lở mồm long móng được nhân viên thú y cho giết mổ bình thường
4 giờ ngày 5.3.2018, lò mổ bắt đầu đông đúc và điệp khúc giết mổ mất vệ sinh tiếp tục diễn ra, nhưng nhân viên thú y vẫn coi như không và tất nhiên, dấu kiểm dịch vẫn được đóng đầy đủ. Bên cạnh đó, việc ghi chép biên bản giết mổ của các nhân viên thú y cũng rất sơ sài; gần như không ghi gì ngoài tổng số lượng động vật.
Chưa hết, trên địa bàn tỉnh còn có tình trạng đóng dấu kiểm dịch ngay tại… chợ. Sáng 14.3, có mặt tại chợ trung tâm TT.Hoàn Lão (H.Bố Trạch), PV ghi nhận một nữ nhân viên thú y đóng dấu tại các gian hàng thịt một cách nhanh chóng, bất chấp quy định buộc phải đóng dấu ngay khâu giết mổ, không được đóng dấu tại chợ.
Lợn lở loét, mưng mủ… vẫn bình thường !
Không chỉ kiểm dịch cẩu thả, đóng dấu tràn lan, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhân viên thú y còn tiếp tay “biến” lợn chết, lợn có dấu hiệu bệnh thành lợn ngon để đưa ra thị trường.
Ngày 17.2, tại chuồng nhập lợn ở lò Hải Dương 1 có 1 con lợn chết, toàn thân đỏ tím, miệng hả, dưới móng chân chảy máu. Thế nhưng bà Lại Thị Thanh Phương vẫn ghi biên bản với nội dung: “Tai, da và các chân bình thường; đề nghị chủ hộ luộc thịt chín mới tiêu thụ”.
Biên bản thể hiện có 4 con lợn bệnh nhưng nhân viên thú y vẫn cho mổ bình thường vào ngày 15.3
18 giờ 45 ngày 6.3, một đàn lợn được đưa tới lò mổ Hải Dương 1, khi xả lợn xuống có 1 con nằm bẹp xuống đường, dù được dội nước nhiều lần, đạp chân nhưng không thể đứng dậy. Đến hơn 19 giờ, ông Phong xuất hiện. Sau một hồi đạp chân nhưng tình hình không khả quan hơn, lợn vẫn được giết mổ ngay trước sự chứng kiến của ông Phong. Thậm chí ông này còn phụ một tay trong việc giết mổ con lợn này. Theo quy định, lợn mổ xong phải được kiểm tra và đóng dấu ngay, nhưng con lợn này để đến sáng 7.3 mới đóng dấu và ca làm việc này do ông Khang làm (tức người đóng dấu khác người kiểm soát giết mổ - PV).
Tối 15.3, tại lò Hải Dương 1 có 101 con lợn, ở chuồng số 10 có 4 con cùng tình trạng các chân bị lở loét, mưng mủ, miệng sùi bọt trắng, mũi có mủ trắng, không đi lại được. Lạ lùng ở chỗ, triệu chứng lợn thể hiện rất rõ, đập không đứng lên đi được nhưng bà Lại Thị Thanh Phương vẫn ghi trong biên bản: “Tại thời điểm kiểm tra, lợn bình thường, ổn định, không thấy có triệu chứng khác lạ” và quyết định cho: “Nằm chờ giết mổ”. Ngay chủ lò Nguyễn Văn Dương cũng bức xúc: “Chủ lợn không báo nguồn gốc cho lò, phát hiện lợn có triệu chứng như bị bệnh lở mồm long móng, tôi đã đề nghị nhân viên thú y kiểm tra kỹ để cách ly và tránh giết mổ những con lợn bệnh trên, tránh đưa lợn bệnh vào lò mổ nhưng cán bộ thú y trả lời là lợn bình thường rồi cho giết mổ. Tôi rất bất bình”.
Nguy cơ dịch bệnh lây lan
Trên địa bàn Quảng Bình đã và đang xuất hiện tình trạng lợn bị lở mồm long móng rải rác. Với cách làm việc như trên của thú y địa phương, nguy cơ dịch bệnh từ lò mổ lan ra ngoài là hiển hiện. Đáng ngạc nhiên, khi làm việc với PV Thanh Niên, ông Đặng Gia Nhì, Phó trưởng phụ trách Trạm chăn nuôi và thú y Đồng Hới, vẫn khẳng định: “Chúng tôi kiểm tra trước và sau giết mổ hoàn toàn đúng quy trình, làm đúng luật. Giết mổ xong phải đóng dấu, không được để lâu chất lượng thịt sẽ bị ảnh hưởng”. Còn ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Bình, đổ lỗi do nhiều yếu tố khách quan trước thực trạng giết mổ và kiểm dịch trên địa bàn. “Để người giẫm đạp lộn xộn là trách nhiệm của lò mổ. Thú y không là gì với hội giết mổ đâu, thú y khổ lắm!”, ông Tám than.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.