Cần mạnh tay với ‘cát tặc’

17/12/2018 04:59 GMT+7

Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) lần đầu tiên khởi tố một đối tượng hút cát lậu trên sông Đồng Nai. Động thái này là cần thiết để có biện pháp mạnh tay với nạn ' cát tặc '.

Ngày 16.12, Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thanh Phú (35 tuổi, ngụ xã Long Hựu Tây, H.Cần Đước, Long An) để điều tra hành vi “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Rạng sáng 27.1, qua tuần tra kiểm soát trên sông Đồng Nai, đoạn qua P.An Bình (TP.Biên Hòa). Đội cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa bắt quả tang Phú điều khiển thuyền gỗ số hiệu LA-07199, có gắn vòi rồng và hệ thống bơm để hút trộm cát từ dưới sông Đồng Nai lên khoang. Thời điểm bị bắt, Phú đã hút được 15 m3 cát. Công an TP.Biên Hòa đã lập biên bản xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng.
Các vụ khai thác cát trái phép tại Bến Tre bị bắt quả tang chỉ mới xử phạt hành chính Ảnh: Bắc Bình
Các vụ khai thác cát trái phép tại Bến Tre bị bắt quả tang chỉ mới xử phạt hành chính Ảnh: Bắc Bình

Ngày 27.3, Đội cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa lại bắt quả tang Phú cùng chiếc thuyền số hiệu trên đang bơm hút cát lậu trên sông Đồng Nai, đoạn qua cù lao Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), lần này số lượng cát vừa mới hút được 3 m3. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phú để điều tra “tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Đây là lần đầu tiên Công an TP.Biên Hòa khởi tố vụ án hình sự đối với trường hợp hút cát trái phép.

Áp dụng luật mới xử lý hình sự

Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Đội cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa cho biết nhiều năm nay tình trạng hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua TP.Biên Hòa diễn ra rất phức tạp. Đội cảnh sát kinh tế đã thường xuyên tuần tra kiểm soát, bắt giữ nhiều phương tiện cùng các đối tượng bơm hút cát trái phép, nhưng do luật quy định còn sơ hở nên lực lượng chức năng chỉ xử phạt được hành vi vi phạm hành chính, sau đó đành phải thả người và phương tiện.
“Cụ thể, theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trường hợp khai thác trái phép trên 50 m3 cát thì mới tịch thu phương tiện. Lợi dụng kẽ hở này các đối tượng đã lách bằng cách hút dưới số lượng cát nói trên. Còn muốn khởi tố hình sự, luật quy định phải gây hậu quả nghiêm trọng nhưng sông thì bao la, nhiều yếu tố tác động đến. Để chứng minh gây hậu quả nghiêm trọng như làm sạt lở đất chẳng hạn thì rất khó”, vị cán bộ này phân tích.
Chiếc thuyền hút cát lậu bị Công an TP.Biên Hòa bắt giữ rạng sáng 14.12 Ảnh: Lê Lâm
Chiếc thuyền hút cát lậu bị Công an TP.Biên Hòa bắt giữ rạng sáng 14.12 Ảnh: Lê Lâm

Theo bộ luật Hình sự mới sửa đổi bổ sung năm 2017 (có hiệu lực từ 1.1.2018), trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính 1 lần về tội khai thác cát trái phép, lần sau tiếp tục bị bắt giữ về hành vi trên thì có thể bị xử lý hình sự. “Đối tượng Ngô Thanh Phú thuộc trường hợp trên nên chúng tôi đã khởi tố điều tra, hiện đang củng cố hồ sơ để chuyển sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố”, lãnh đạo Đội cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa thông tin thêm.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, giảng viên Học viện Tư pháp tại TP.HCM, cho biết theo điều 227, bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, “tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” bị phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

Các địa phương cũng sẽ xử mạnh

Nạn khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TX.Điện Bàn (Quảng Nam) lâu nay diễn biến phức tạp. Diện tích đất canh tác của người dân dọc triền sông thuộc các xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước (TX.Điện Bàn) bị sạt lở nghiêm trọng; hơn 200 m bờ đoạn qua thôn Hòa Giang và Tân Bình 4 (xã Điện Trung) hư hỏng nặng.
Hôm qua 16.12, thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng công an H.Đại Lộc, cho biết: “Pháp luật quy định như thế nào thì sẽ thực hiện như vậy. Nếu lần 1 đã bị xử lý vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì sẽ truy tố xử lý hình sự”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng TX.Điện Bàn đã kiểm tra, phát hiện xử lý gần 60 trường hợp (tổ chức, cá nhân) có hành vi khai khoáng trái phép trên tuyến sông Thu Bồn, xử phạt nộp ngân sách gần 700 triệu đồng; đóng cửa 19 bến bãi không nằm trong quy hoạch, không có giấy phép hoặc hết thời hạn hoạt động. “Địa phương cũng đã chỉ đạo công an nếu phát hiện các vụ khai thác cát có tính chất nghiêm trọng thì sẽ tiến hành truy tố hình sự”, ông Hà khẳng định.
Tại Quảng Trị, nạn khai thác cát sạn “chui” diễn ra khá phức tạp ở các con sông lớn như Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải. Riêng trên sông Thạch Hãn, 2 điểm nóng là tại khu vực Cồn Nổi (đoạn giao giữa P.Đông Lương, TP.Đông Hà và xã Triệu Độ, H.Triệu Phong) và ngã ba Gia Độ (hợp thủy của sông Thạch Hãn và sông Hiếu). Chỉ trong tháng 10, mở đợt cao điểm, lực lượng cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị) đã bắt hàng chục vụ khai thác cát chui trên 2 điểm nóng này, có đêm bắt 3 - 4 vụ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì lâu nay, chưa có vụ khai thác cát “chui” ở Quảng Trị bị xử lý hình sự.
Một cán bộ cấp đội của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) cho biết do cát tặc tại Quảng Trị thường sử dụng tàu nhỏ, hút khối lượng ít, dưới 50 m3, nên nếu áp dụng xử lý hình sự thì hơi “lấn cấn”. “Tôi đi tập huấn ở Cục Cảnh sát môi trường cũng hỏi rất nhiều về vấn đề này, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời miệng chứ chưa có văn bản. Nên đến nay, Quảng Trị chưa áp dụng luật hình sự với bất kỳ vụ hút cát chui nào”, vị này nói.
Theo báo cáo của tỉnh Bến Tre, hiện trên 3 tuyến sông chính của tỉnh là sông Tiền, Hàm Luông và Cổ Chiên có gần 800 phương tiện hành nghề khai thác cát, nhưng đa phần không có đăng ký, đăng kiểm. Cát tặc thường chọn khai thác trên các tuyến sông giáp ranh giới giữa Bến Tre với các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang để khi bị phát hiện, sẽ bỏ chạy sang địa phận tỉnh khác. Theo Ban Chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Bến Tre, thời gian tới yêu cầu ngành công an thực hiện các biên bản vi phạm, để làm căn cứ khởi tố hình sự trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần.
Đại tá Nguyễn Tri Phương, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành công an tỉnh này cũng đã vào cuộc và giao cảnh sát môi trường thường xuyên điều tra, nắm lại các đối tượng cầm đầu khai thác cát lậu; phối hợp các ngành để ngăn chặn. Đến nay, tình hình khai thác cát hồ Dầu Tiếng đã cơ bản lập lại trật tự.
Lợi dụng đội tuyển VN vô địch để đi hút cát lậu
Tối 15.12, lợi dụng thời điểm diễn ra trận cầu giữa VN - Malaysia, một nhóm đối tượng cùng chiếc thuyền hút cát lậu số hiệu LA 04371 đã ra sông Đồng Nai đoạn P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) hoạt động. Khoảng 1 giờ ngày 16.12, Đội cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa đã đến bắt giữ. Một số đối tượng ở trên thuyền nhảy xuống sông bơi vào bờ trốn thoát, riêng người điều khiển tàu là Nguyễn Văn Mạnh (42 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị bắt giữ cùng với phương tiện và hàng chục mét khối cát mới hút được.
Rạng sáng 14.12, Đội cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa cũng bắt giữ 2 chiếc thuyền hút cát lậu trên sông Đồng Nai, đoạn qua P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa), 4/6 đối tượng đi trên thuyền nhảy xuống sông trốn thoát. Theo Công an TP.Biên Hòa, từ khi biết có quy định vi phạm hút cát lậu 2 lần trở lên có thể bị xử lý hình sự nên các đối tượng khi bị phát hiện đều nhảy xuống sông trốn.
Lê Lâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.