Chấm dứt ‘viên chức suốt đời’ có lo viên chức bị sa thải hàng loạt?

Vũ Hân
Vũ Hân
10/06/2019 06:56 GMT+7

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng việc ký hợp đồng có thời hạn, tức bỏ "viên chức suốt đời" , sẽ khiến viên chức dễ dàng bị sa thải khi lớn tuổi, sức khỏe yếu, hay đơn giản do tiêu cực, chạy chọt.

Những viên chức nào vẫn giữ được “suốt đời"?

Ngay trước phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, 10.6, về dự án luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, Bộ Nội vụ đã thay mặt Chính phủ có bản giải trình một số ý kiến đại biểu đã nêu trong buổi thảo luận tổ.
Đáng chú ý, về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, mà dư luận vẫn quen gọi là bỏ “viên chức suốt đời”, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Tại dự thảo mới nhất của dự án luật, Chính phủ bảo lưu quan điểm: kể từ ngày luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức có hiệu lực, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn, trừ 3 trường hợp:
Viên chức đã ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn trước ngày luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức có hiệu lực.
Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức. Viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thời hạn của hợp đồng sẽ là từ 12 - 36 tháng.
Ngoài những ý kiến tán thành, cho rằng quy định như dự thảo tạo động lực để viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, phấn đấu học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy tạo ra tâm lý không yên tâm cho viên chức, có phần đi ngược với chính sách thu hút tài năng, có thể tạo ra nhiều tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục và trái với quy định của bộ luật Lao động.
Một số vị đại biểu khách lại cho rằng, quy định như vậy chưa thỏa đáng, dẫn đến có hai chế độ viên chức (hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức cũ, hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới).
Do đó, có ý kiến đề nghị giữ lại các quy định như trước, việc chuyển sang ký hợp đồng theo hình mới sẽ có một số bất cập, khó khăn, viên chức không an tâm trong quá trình làm việc.

Không được chấm dứt hợp đồng nếu viên chức vẫn hoàn thành nhiệm vụ và đơn vị vẫn có nhu cầu

Giải trình về vấn đề này, Bộ Nội vụ lưu ý, việc ký kết hợp đồng không xác định thời hạn chỉ áp dụng đối với các trường hợp công chức tuyển dụng mới sau ngày luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức có hiệu lực (dự kiến là 1.7.2020).
Dự thảo luật cũng đã quy định rõ, đối với viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn; trường hợp đã ký kết hợp đồng xác định thời hạn trước ngày luật có hiệu lực thì sẽ được ký kết hợp đồng không xác định thời hạn.
Đối với viên chức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, việc ký kết hợp đồng được thực hiện như quy định hiện hành, theo đó, khi đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn thì sẽ ký kết hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của bộ luật Lao động.
Tuy vậy, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật sẽ được nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn tối thiểu, thời hạn tối đa ký kết hợp đồng xác định thời hạn và bổ sung quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo đó, luật sẽ quy định rõ đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu đơn vị sự nghiệp vẫn có nhu cầu, viên chức vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao và không vi phạm kỷ luật.
Đối với trường hợp này thì viên chức đương nhiên vẫn được tiếp tục ký kết hợp đồng xác định thời hạn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.