Chặn bành trướng trên biển

13/05/2012 03:14 GMT+7

Từ những tuyên bố úp mở, giờ đây Trung Quốc đã công khai kế hoạch tổ chức du lịch tới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ đã dùng vũ lực cũng như các phương cách phi pháp khác để chiếm đóng.

Tân Hoa xã tuần này dẫn lời một quan chức tỉnh Hải Nam nói rằng các chuyến du lịch sẽ được triển khai sớm và du khách có thể đi bằng máy bay hoặc tàu thủy. Một bến tàu du lịch cũng đang được xây tại đảo Phú Lâm.

Kế hoạch tổ chức du lịch tới Hoàng Sa được công bố trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động gây hấn và xâm lấn trên biển Đông. Gần đây nhất, họ đã điều tàu lớn tới vùng Bãi Cỏ Rong kèn cựa với Philippines, đe dọa đối tác dầu khí của Việt Nam, cầm giữ ngư dân Việt Nam, hạ đặt giàn khoan 981 tại khu vực bắc biển Đông.

Dễ nhận thấy những hoạt động này nằm trong lộ trình dài hơi của Trung Quốc trên biển Đông: kiểm soát - làm chủ - độc chiếm. Trong giai đoạn “kiểm soát” (1970-2010), Bắc Kinh đã nổ súng tấn công quân đội Sài Gòn trấn giữ tại Hoàng Sa và qua đó chiếm trọn quần đảo này vào năm 1974. Họ cũng dùng vũ lực hoặc lén lút chiếm một số đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa trong các thập niên 1980, 1990 và 2000.

Sau “kiểm soát”, giờ họ đang thực hiện bước “làm chủ” (2011-2025). Với ưu thế vượt trội về quân sự, công nghệ, kinh tế, Trung Quốc đã thực hiện “làm chủ bằng khai thác”, một mặt khai thác những khu vực đã chiếm đóng như mở du lịch tới Hoàng Sa, mặt khác tiến tới khai thác các vùng tranh chấp. Bên cạnh đó, họ chủ ý tạo ra vùng tranh chấp mới đối với các vùng biển chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước lân cận, thông qua các tuyên bố hoặc hành động đe dọa hoạt động hợp pháp của nước khác, chẳng hạn như tuyên bố về “đường lưỡi bò”, cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam, đe dọa tàu bè Philippines... Theo sau hành động tạo ra vùng tranh chấp mới sẽ là chiếm đoạt, mà đỉnh điểm của nó là “độc chiếm”.

Giai đoạn “độc chiếm” bắt đầu từ khoảng năm 2026 và tới 2050 sẽ hoàn tất. Có thể hiểu là Trung Quốc muốn lúc đó sẽ hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, tức chiếm hữu ít nhất là 80% diện tích biển Đông.

Đối với sự bành trướng này, Việt Nam và Philippines từng nhiều lần phản đối, cũng như cố gắng nêu vấn đề tại các diễn đàn quốc tế. Phản đối Trung Quốc và quốc tế hóa tranh chấp biển Đông là cực kỳ quan trọng. Nhưng lâu nay, một khi bị Trung Quốc lấn át, Việt Nam hoặc Philippines chỉ lại hành xử theo kiểu nước nào bị động chạm thì tuyên bố phản đối, chứ không hưởng ứng, bổ trợ nhau. Sự bành trướng của Trung Quốc đang đắc lợi nhờ vào tình trạng thiếu tiếng nói chung này. Điều đó cần phải thay đổi, theo hướng đi tìm tiếng nói chung, sự đoàn kết giữa các nước bị Trung Quốc gây hấn như Việt Nam, Philippines và rộng hơn nữa là toàn khối ASEAN.

Một điều nữa cũng cần thay đổi, ở khía cạnh quốc tế hóa câu chuyện biển Đông. Quốc tế hóa ở đây không chỉ là đưa vấn đề ra các diễn đàn quốc tế, kêu gọi sự hưởng ứng của tổ chức này, cá nhân kia. Quốc tế hóa phải cụ thể bằng việc đưa ra phân xử bởi một trọng tài quốc tế, chứ không dừng lại ở tuyên bố. Bằng cách ấy, chính nghĩa của Việt Nam sẽ được nêu bật, sự phi nghĩa của Trung Quốc sẽ bị lên án.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.