Lại dồn tăng giá cuối năm

02/12/2017 06:42 GMT+7

Việc dồn dập tăng giá các mặt hàng thiết yếu vào cuối năm đã được nói rất nhiều lần nhưng cứ đến hẹn lại lên...

Tháng cuối cùng của năm nay cũng không ngoại lệ, giá điện, xăng, gas... lại cùng lúc tăng khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng.
Ở đây chưa bàn tới chuyện giá tăng có hợp lý hay không, vấn đề là thời điểm. Còn nhớ phiên họp thường kỳ cuối tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đến hết năm 2017 không tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chỉ đạo của Thủ tướng hết sức cần thiết để tăng sức mua trong dân chúng, kích thích sản xuất, góp phần cho mục tiêu tăng trưởng. Nhưng thuế, phí không tăng mà nay giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, gas... đều tăng thì chẳng khác nào nhấc được gánh nặng từ vai trái lại thêm gánh nặng sang vai phải.
Điểm lại sẽ thấy, từ 20.11, giá xăng dầu đồng loạt tăng; từ ngày 1.12, giá điện tăng hơn 6%; giá gas tăng thêm 1.000 đồng/bình 12 kg. Xăng dầu và gas thì khỏi nói, đang điều chỉnh theo giá thế giới và theo chu kỳ, có tháng tăng tháng giảm. Còn điện thì chúng ta hoàn toàn có thể chủ động điều phối thời điểm tăng - giảm sao cho đồng bộ với chủ trương chung của Chính phủ, với tình hình thị trường và tính chu kỳ trong hoạt động của doanh nghiệp (DN).
Bởi chúng ta đều biết, điện tác động đến toàn bộ đời sống sinh hoạt của người dân; sản xuất của DN, giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Mức tăng nhiều ít chưa nói nhưng tăng giá điện ảnh hưởng đến tâm lý của hầu hết mọi người. Trong khi cuối năm là dịp các DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Chẳng thế mà không chỉ ở VN, trên toàn thế giới các chương trình giảm giá mạnh nhất cũng được chọn vào thời điểm này để tất toán sổ sách, để tháo tồn kho, để bù đắp những mùa thấp điểm... làm sao cả năm có một cái kết đẹp nhất.

tin liên quan

Giá gas tăng nhẹ 1.000 đồng/bình 12kg
Chiều 30.11, thông tin từ các công ty kinh doanh gas tại khu vực phía nam cho biết từ ngày 1.12 giá gas sẽ tăng nhẹ 1.000 đồng/bình 12kg so với giá gas tháng trước đó.
Nói thế để thấy, việc tăng giá không chỉ là chuyện tăng 100 đồng cho một số điện hay 1.000 đồng cho một bình gas; không phải chỉ là mức tăng “đáng là bao” hay “tác động không đáng kể”... Có thể vẫn là tăng nhưng chọn thời điểm nào để những tác động của việc tăng giá đến đời sống xã hội, hoạt động kinh tế, tâm lý người dân ít nhất, nhẹ nhất; để nhất quán, xuyên suốt với chủ trương điều hành chung của Chính phủ với nền kinh tế; để góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, lạm phát đã đề ra...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.