Ứng xử chốn công cộng

Chuyện vợ đánh chồng sưng mắt ngay trên máy bay vừa xảy ra ít hôm trên chuyến bay BL489 từ Thanh Hóa đi TP.HCM ( Thanh Niên đã thông tin) dường như chỉ là một trong những kiểu hành vi quá khích nơi công cộng mà không ít người Việt hiện nay dễ dàng cho phép mình thể hiện.

Chúng ta từng nghe chuyện mấy anh đàn ông đánh vào đầu cô nhân viên sân bay Nội Bài chỉ vì vài câu nói qua lại, bất chấp quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng và quy ước văn hóa về ứng xử với phụ nữ. Hay chuyện có anh lái xe hơi tông ngã người khác, rồi chẳng quan tâm đến chuyện đúng sai, đến sức khỏe và tính mạng của người bị nạn, mà chỉ lo to tiếng xưng mình làm nọ làm kia nên chẳng sợ ai.

tin liên quan

Vợ đấm chồng sưng mắt trên máy bay
Khi máy bay chuẩn bị đóng cửa để khởi hành, giữa vợ chồng xảy ra cãi nhau. Sau đó, bà V. đứng dậy và quay lại đấm ông T., khiến mắt ông này sưng tấy. 
Giờ nhiều người như thế lắm!
Đến khi giật mình nghĩ lại, hoặc bị buộc phải nghĩ lại cách hành xử đáng xấu hổ của mình, thì đổ thừa cho cơn nóng giận.
Đừng lấy làm lạ với cơn nóng giận. Vì cảm xúc, xét cho cùng, là không tránh được. Nhưng hãy lấy làm lạ với cách biểu hiện cảm xúc nóng giận. Nóng giận gì tới mức, cư xử vợ chồng mà như thể với kẻ thù? Nóng giận gì tới mức, người lớn rồi mà sẵn sàng đánh chửi nhau như thể trẻ con chưa trưởng thành? Nóng giận gì tới mức, giữa chốn đông người mà thể hiện như thể ở chốn không người?
Vẫn biết nóng giận đôi khi là cảm xúc tự nhiên ập đến trong một hoàn cảnh nào đó không lường trước, nhưng con người cũng đã học đủ trí khôn từ bao đời nay để ứng phó với sự nguy hiểm đó của bản thân. Trí khôn đó, đôi khi là một minh triết dân gian rất gần gũi và giản dị: “cơm sôi thì bớt lửa”.
Thêm một chuyện phải bàn, là nhiều người khi đụng chuyện với người khác ở chốn đông người, sẵn sàng to tiếng trưng ra thứ ngôn từ khó nghe kèm theo tuyên bố mình là ông nọ bà kia hoặc mình là con ông nọ cháu bà kia. Họ coi như đã công khai thừa nhận não trạng của họ về chuyện có chức vụ hay là đại gia thì tức là có đặc quyền lớn tiếng với người khác và chà đạp mọi chân lý, trừ thứ chân lý họ tôn thờ là “kẻ mạnh luôn thắng”.
Cách hành xử đó trong thực tế đã được hậu thuẫn bởi những chuyện tưởng chừng vô hại mà nhiều vị có chức vụ hay làm: gọi điện thoại cho cơ quan chấp pháp để nhận người thân và mở lời đề nghị bỏ qua lỗi của người vi phạm. Thế là góp sức tạo ra một nếp nghĩ lạ đời, là cứ có chức vụ hay có quen biết với người có chức vụ thì coi như có đặc quyền ứng xử xem thường người khác, bất chấp quy tắc và luật lệ.
Thứ đặc quyền lớn nhất mà mỗi chúng ta có được giữa cuộc đời này, cũng là đặc ân mà chúng ta có thể trao cho người khác, không phải là từ chức vụ, mà từ những ứng xử giản dị nhưng lịch sự mỗi ngày chúng ta chọn để làm.
Thôi đừng quên nhắc nhau, và nhắc chính mình, rằng “không có gì rẻ mà lại quý như thái độ lịch sự” (danh ngôn).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.