Chiếc cưa máy cứu 11 người từ đống đổ nát trong tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ

26/09/2017 14:38 GMT+7

Trong số những người tham gia cứu các nạn nhân trong tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, có một người đã dùng máy cưa những tấm cốp pha cứu 11 người mắc kẹp trong đống đổ nát. Đó là ông Lê Tấn Thành, còn gọi là Mười Hên.

Sau 10 năm trở lại xã Mỹ Hòa, H.Bình Minh (nay là TX.Bình Minh), Vĩnh Long, nơi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm cho hàng chục gia đình tang thương, đã có nhiều đổi thay.
Nỗi đau 10 năm
“Sáng hôm đó, tôi đang chạy xe honda ôm ở bến thì nghe có tiếng nhiều xe cứu thương hụ còi in ỏi. Sau đó có nhiều y bác sĩ chạy đến nhờ tôi chở vào hiện trường. Lúc này tôi mới biết sự cố ở cầu Cần Thơ", anh Nguyễn Thanh Tùng (34 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa) nhớ như in ngày 26.9.2007.

tin liên quan

10 năm chia sẻ những nỗi đau
Ngày này 10 năm trước, tai nạn kinh hoàng sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đã lấy đi mạng sống của 55 người. Nhiều gia đình rơi vào cảnh mất con, vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ bỗng mồ côi cha.
"Khi đưa khách đến đó, một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt tôi là những thanh bê tông cầu khổng lồ bị sập. Tiếng la hét của các công nhân và những người trong hiện trường nhốn nháo cả lên. Tôi tiếp tục chạy ra rước các y bác sĩ đến cấp cứu cho những người gặp nạn. Suốt quá trình đó tôi đã đưa rước miễn phí rất nhiều người. Từ đó đến nay, tôi đã tham gia vào đội xe honda ôm từ thiện của xã”, anh Tùng nhớ lại ngày thang thương của 10 năm trước.
Ông Khải và anh Nam với vết thương còn hằn sâu trên ngực Ảnh: Thanh Đức

Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày ấy làm 55 người tử nạn và 80 người bị thương. Đa phần là người dân thuộc xã Mỹ Hòa. Gần 10 ngày sau sợ cố mới đưa được thi thể cuối cùng ra khỏi hiện trường.

Trong số những người sống sót có anh Lê Hoàng Nam (33 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hương 1) bị nặng nhất với cây sắt đâm xuyên ngực. “Khi sự việc xảy ra không nhớ gì, chỉ nhớ sáng hôm đó leo lên giàn gỡ ván cốp pha. Sau sự cố xảy ra tỉnh dậy thì thấy nằm ở bệnh viện. Bây giờ sức khỏe tương đối ổn định, nhưng hơi thở thì có lúc bị hụt hơi”, vừa nói, anh Nam vừa vén áo chỉ lên vết thương trên ngực còn hằn rất đậm.
Ông Lê Thành Khải (cha của anh Nam) nhớ lại: “Khi nghe tiếng động cái đùng, tôi chạy ra thì thấy mấy nhịp cầu Cần Thơ bị sập. Tôi nhanh chân chạy đến tìm con tôi. Khi chạy đến thì thất vọng thì thấy con tôi nằm chung với 2 xác người. Tôi tiến lại gần con, nắm lấy tay kêu vài tiếng thì con tôi tỉnh dậy lơ mơ. Tôi mừng húm kêu mọi người đến đưa nó đi cấp cứu”.
Ông Thành vẫn còn giữ cái máy cưa kỷ niệm cứu 11 người Ảnh: Thanh Đức
Ông Thành chỉ nơi sự cố xảy ra và ông cứu người 10 năm trước Ảnh: Thanh Đức
Trong số những người tham gia cứu nạn, có một người đã dùng máy cưa những tấm ván cốp pha cứu 11 người mắc kẹp trong đống đổ nát. Đó là ông Lê Tấn Thành, còn gọi là Mười Hên (48 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 1).
“Hôm đó đang ăn cơm ở nhà, nghe tiếng động lớn như động đất nên chạy ra coi. Khi đến hiện trường thì cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt. Số người chết và bị thương nằm la liệt bên hiện trường. Tôi chỉ kịp kép được 2 người ra khỏi đóng đổ nát", ông Thành nhớ lại.
"Lúc này, tôi nghe có người nói nếu có máy cưa thì sẽ cứu được nhiều người hơn. Có sẵn (ông Thành hành nghề cưa cây thuê ở địa phương - PV), tôi nhanh chân chạy một mạch về nhà lấy máy cưa lại cưa ván để cứu người. Đến trưa tôi đã cứu thêm 9 người nữa”, ông Thành cho biết. 
“Tôi nhớ nhất là cứu nạn nhân tên Thắng. Chân của Thắng bị mắc kẹt dưới 1 thanh cây rất to. Khi tôi đặt máy cưa vào,  Thắng la lên nói "chú ơi, chú cưa nhè nhẹ coi chừng cưa luôn chân của con". Tôi hồi hộp cưa khúc cây, đưa Thắng ra ngoài an toàn tôi mới thở phào nhẹ nhỏm”, ông Thành kể.
Đứng dậy trên đau thương
Theo con đường nhỏ bên cạnh chân cầu Cần Thơ, vòng qua phía dưới có một ngôi chùa mang tên Bồ Đề Cổ Tự. Từ chùa Bồ Đề, đi men theo con đường nhựa nhỏ hai bên đường là những vườn bưởi xanh mướt, nặng trĩu quả.
55 người tử nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ Ảnh: Trương Công Khả
Ông Huỳnh Minh Thiệt, Chủ tịch UBMTTQVN xã Mỹ Hòa, cho biết xã có khoảng 60 - 70 em học sinh có thân nhân là nạn nhân trong vụ tai nạn. Trong đó có nhiều em đã vượt qua nỗi đau, cố gắng học tập thành tài, phục vụ quê hương đất nước.
Chị Hà Thị Kiều Vân (36 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi), chia sẻ: “Khi hay tin chồng bị nạn, tôi như người mất hồn. Chồng tôi tên Lê Hoàng Quốc Việt bị vùi lấp dưới đóng đổ nát, đến ngày thứ 8 mới tìm được thi thể. Nỗi đau mất chồng, con gái mới 5 tuổi đã phải mất cha cứ đau đáu trong lòng tui suốt 10 năm nay. Vì chăm lo cho đứa con ăn học nên tui dành số tiền hỗ trợ mua đất cất nhà, kinh doanh buôn bán có thu nhập hàng ngày tạm ổn”.
Bà Lê Thị Dợn (55 tuổi), có chồng là ông Nguyễn Văn Sớt, tử nạn vong trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Dù sự việc đã xảy ra cách đây 10 năm nhưng mỗi lần nhớ đến là tim bà lại nhói.
Theo bà Dợn, cần tiền trả cho thợ xây nhà nên chồng bà đi làm công nhân cho công trình xây cầu Cần Thơ. Ông Sớt làm được 1 tháng thì xảy ra tai nạn. Chồng mất, bỏ lại 2 đứa con, đứa lớn lúc đó đang học năm 1 Đại Học Cần Thơ, còn đứa con gái nhỏ chỉ mới vào mẫu giáo, bà chới với.
“Ổng mất nhưng nhờ sợ giúp đỡ của các mạnh thường quân, hai con tôi không phải bỏ học. Con gái lớn nay đi làm cho ngân hàng bên Cần Thơ, có chồng, có con rồi, đứa nhỏ thì đang học lớp 11. Cuộc sống của tôi cũng nhờ 2 vợ chồng con gái lớn nhiều lắm", bà Dợn tâm sự.
Vườn bưởi ở xã Mỹ Hòa Ảnh: C.T.V
Ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết hiện người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng bưởi. Trước thời điểm vụ tai nạn xảy ra kinh tế chỉ phát triển ở mức trung bình, nhưng vài năm trở lại đây bưởi có giá nên thu nhập của người dân khá lên rõ rệt. Đời sống người dân được nâng cao hơn nhiều, hiện thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm.

tin liên quan

10 năm ngày định mệnh sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ
10 năm ngày định mệnh của chiếc cầu Cần Thơ và những người thợ xây cầu ra đi mãi mãi, đã in vào ký ức buồn khi về nối nhịp đôi bờ Sông Hậu. Cuối năm đó tôi xa Cần Thơ thương nhớ...
"Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của bà con, xã cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ, tích cực vận động người dân lo chí thú làm ăn. Một tin mừng là hiện xã Mỹ Hòa  "tang thương thuở nào" giờ đã đạt danh hiệu Nông thôn mới”, ông Phi phấn khởi cho biết.
Lúc 7 giờ 55 phút ngày 26.9.2007, khi công nhân bắt đầu ca làm việc tại 2 nhịp trên các trụ neo từ trụ P13 đến trụ P15 cầu chính thuộc gói thầu số 2 Dự án xây dựng cầu Cần Thơ thì sự cố xảy ra.
Toàn bộ hệ thống đà giáo, ván khuôn chống đỡ phần kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép đã bị sập đổ và khối lượng bê tông dầm đã thi công từ những ngày trước khoảng 2.000 mbị phá hủy hoàn toàn.
Nỗi đau của một phụ nữ có người thân tử vong trong vụ tai nạn sập cầu Cần ThơẢNH: TRƯƠNG CÔNG KHẢ
Vụ tai nạn khiến 55 người tử vong, 80 người bị thương (phần lớn là công nhân địa phương làm việc tại công trình).
Tháng 4.2010, cầu Cần Thơ khánh thành, trở thành cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.