Chính phủ đề nghị lùi sửa luật Đất đai đến sau Đại hội XIII

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/04/2020 09:11 GMT+7

Lý do Chính phủ đưa ra là nội dung của dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai còn một số vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn.

Sáng 16.4, Ủy ban Pháp luật Quốc hội họp phiên toàn thể cho ý kiến tờ trình đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại phiên họp, Chính phủ đề nghị rút dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai khỏi chương trình năm 2020, đồng thời cũng không đưa vào chương trình năm 2021.
Lý do Chính phủ đưa ra là nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như: các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; thu hồi đất để phát triển KT-XH; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài...
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Chính phủ đã thảo luận và thấy rằng luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung dự án luật tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị - xã hội...
Mặt khác, theo ông Long, sau Đại hội Đảng XIII, T.Ư sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển KT-XH của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.
Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện luật Đất đai sau Đại hội Đảng XIII. Trước mắt, Chính phủ giao Bộ TN-MT đề xuất xây dựng ngay một nghị quyết của Quốc hội để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian qua.
Cũng trong tờ trình, Chính phủ chưa đề xuất đưa các luật Biểu tình, luật Về hội, luật Đặc khu...(các luật đã rút khỏi chương trình trong giai đoạn 2016 - 2019) vào chương trình xây dựng luật 2020 và 2021.
Chương trình xây dựng luật 2020 (điều chỉnh) và 2021 sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp 44, khai mạc ngày 20.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.