Sáng nay, 26.3, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.
Ngoài 11 bộ, ngành T.Ư, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch còn có sự tham gia của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…
Cập nhật thông tin về tình hình bệnh dịch, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), cho hay thống kê đến ngày 25.3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố với 64.879 con lợn bị tiêu hủy. Trong đó, Bắc Giang là địa phương mới nhất ghi nhận có ổ dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Nguyễn Văn Long, tình trạng người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng thức ăn dư thừa, không qua xử lý nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát. Đây cũng là điểm chung của các ổ dịch xảy ra tại các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội.
Đáng lưu ý, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan vào trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Trong đó, tại Hưng Yên, dịch bệnh xuất hiện tại trang trại 4.500 con lợn trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, cho biết dù đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng dịch bệnh này vẫn có diễn biến rất phức tạp và đang lan nhanh. Thực tế khảo sát cho thấy, ở địa phương nào nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc thì dịch không lan rộng hoặc giữ được nguyên hiện trạng, không phát sinh ổ dịch mới.
|
Theo Cục Thú y, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100% và bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, nhưng dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. |
Bình luận (0)