Chính phủ 'nói không' với nới trần nợ công

16/11/2017 11:31 GMT+7

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ đang kiểm soát tốt việc bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại và Chính phủ nói không với vấn đề nới trần nợ công.

Giải đáp thêm các thắc mắc của đại biểu đối với câu chuyện quản lý nợ công trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng nay (16.11), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Chính phủ nói không với các ý kiến đề nghị nâng trần nợ công".
Phó thủ tướng thừa nhận nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn và giải quyết bài toán này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan điều hành trong giai đoạn 2016 - 2020. Phó thủ tướng nhìn nhận việc vừa phải đảm bảo phát triển nhanh, bền vững mà phải giải quyết tồn tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm là bài toán khó. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đã gợi ý Chính phủ nghiên cứu trình T.Ư, Quốc hội nới trần nợ công để có thêm vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng an ninh...
Phó thủ tướng cũng cho hay, để quản lý nợ công chặt hơn, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả... "Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện các chủ trương lớn về vấn đề này", ông Huệ nói thêm đồng thời dẫn số liệu phân tích: như với nợ bảo lãnh Chính phủ, trong năm 2016 chỉ có duy nhất một dự án được bảo lãnh với số tiền 170 triệu USD, trong khi đến thời điểm này của năm 2017 không có thêm dự án mới nào cần phải bảo lãnh.
Báo cáo của Chính phủ gửi đến các đại biểu đầu kỳ họp cho hay tính đến cuối năm 2017, nợ công khoảng 3,13 triệu tỉ đồng, tương đương 62,6% GDP, giảm 1% so với cuối năm 2016, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công lại tăng 0,27 triệu tỉ đồng.

tin liên quan

Dư nợ công tăng 0,27 triệu tỉ đồng
Chính phủ cho hay đến cuối năm 2017, nợ công khoảng 3,13 triệu tỉ đồng, tương đương 62,6% GDP, giảm 1% so với cuối năm 2016, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công lại tăng 0,27 triệu tỉ đồng.
Trước đó ít phút, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định cơ quan này đang triển khai một loạt giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.
Trong khoảng 10 phút giải trình của mình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ còn báo cáo thêm một số giải pháp Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới trong nỗ lực siết chặt quản lý nợ như kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính với chính sách tiền tệ; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.