Chính sách 'chỏi' nhau, người bệnh thiệt thòi

02/11/2017 08:42 GMT+7

Xung đột chính sách khi hai ngành y tế - bảo hiểm xã hội 'chỏi' nhau khiến người dân đi khám bệnh thiệt thòi...

Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; xung đột chính sách khi hai ngành y tế - bảo hiểm xã hội “chỏi” nhau khiến người dân đi khám bệnh thiệt thòi... làm "nóng" hội trường trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra hôm qua 1.11.
"Bộ trưởng giải trình nhưng tôi không yên tâm"
Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện có hơn 80% người dân đã tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) chưa yên tâm với tỷ lệ này khi rất nhiều đối tượng đặc thù như người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận. “Đáng quan tâm hơn, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT có xu hướng tăng mạnh, ngày càng tinh vi hơn”, ĐB Trang lo ngại.



    



Bộ đang nghiên cứu điều chỉnh Nghị định 105/2014 để đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát lạm dụng, sử dụng dịch vụ y tế quá mức và không hợp lý

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến



ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng nợ đọng BHYT, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bội chi trong quản lý sử dụng thanh toán quỹ BHYT đang là vấn đề rất "nóng" và bức xúc.
Giải đáp băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết Bộ đang nghiên cứu điều chỉnh Nghị định 105/2014 để đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát lạm dụng, sử dụng dịch vụ y tế quá mức và không hợp lý.
Chưa hài lòng với giải trình này của Bộ trưởng Tiến, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thẳng thắn: “Tôi không yên tâm, vì cử tri đang rất bức xúc. Vừa rồi, hai ngành y tế và BHXH đôi co nhau, không biết bên nào đúng, bên nào sai. Đơn cử, tháng 4 và tháng 8.2017, Bộ Y tế ban hành 2 công văn số 1294 và 4069. Chỉ sau 2 tuần, BHXH ban hành 2 công văn 1134 và 2742 không đồng ý với công văn của Bộ Y tế”. Và theo ĐB Cầu: “Chịu thiệt thòi nhất là người bệnh. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và BHXH nhanh chóng khắc phục xung đột nêu trên, xây dựng đầy đủ hành lang pháp lý đảm bảo quyền lợi 3 bên, trong đó dứt khoát quyền lợi của người dân phải được ưu tiên hàng đầu”.

     
Tôi không yên tâm, vì cử tri đang rất bức xúc. Vừa rồi, hai ngành y tế và bảo hiểm xã hội đôi co nhau, không biết bên nào đúng, bên nào sai

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)


Về những lo ngại nguy cơ vỡ quỹ BHYT, Bộ trưởng Y tế cho biết đến năm 2016, kết dư quỹ BHXH là 47.000 tỉ đồng. “Nó có cái không tốt vì đây là quỹ ngắn hạn, người dân đóng và họ phải được hưởng hết hằng năm, kết dư nhiều như vậy chứng tỏ người dân chưa được thụ hưởng tối đa các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ cao. Đó là biểu hiện của nền y tế chưa công bằng”, bà Tiến nói và tiếp tục giải thích: "Nhưng trong cái không tốt có cái may. Năm 2017, khi điều chỉnh giá dịch vụ, thì chi phí cao lên, dự kiến chi bảo hiểm trong năm phải vượt quá khoảng 10.000 tỉ thì có số kết dư này. Nếu như vậy thì chúng ta có thể dùng quỹ kết dư đến hết năm 2019. Như vậy, nguy cơ vỡ quỹ là có nhưng chưa vỡ ngay".
Đề xuất lùi thời gian thay đổi lương hưu với lao động nữ
Liên quan đến chính sách BHXH, một số ĐB đề xuất lùi thời gian thay đổi cách tính lương hưu từ 1.1.2018 để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ... Luật BHXH năm 2014 quy định, từ ngày 1.1.2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. ĐB Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đề xuất với Ủy ban Thường vụ trình QH xin lùi thời gian thực hiện quy định trên để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cũng đề xuất: “Quan điểm của ủy ban là ủng hộ kéo dài thời gian cho phụ nữ được hưởng lương hưu theo mức 3% thêm vài năm nữa để họ khỏi thiệt thòi so với nam giới. Vì vậy, đề nghị tính lương hưu cho phụ nữ theo công thức cũ”.
Bộ trưởng giải trình nhiều vấn đề nóng
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Cơ hội từ biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu mang đến nhiều thách thức, tuy nhiên trong khó khăn cũng có thể xoay chuyển bằng cách hướng vào những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh. ĐBSCL trước đây tập trung sản xuất theo thứ tự là lúa gạo - thủy sản - trái cây, thì nay chuyển đổi sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Chúng ta lựa chọn hai con điển hình là tôm và cá tra.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Dịch sốt xuất huyết do nắng lắm, mưa nhiều
Từ đầu năm 2017 đến nay, dịch sốt xuất huyết tăng 46% so với năm trước, số lượng tử vong nhiều hơn 1 ca (31 người) so với năm 2016. Chúng tôi thấy cái này là đúng và có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ngành. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu, nắng kéo dài, mưa nhiều…
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Xử 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ trong 3 năm
Việc xử lý 12 dự án “đắp chiếu” gặp nhiều vướng mắc do có nội dung phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ. Bộ Công thương phải đánh giá đồng bộ những tồn tại, nguyên nhân để có hướng giải quyết. Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2017, Chính phủ lập ban chỉ đạo đánh giá toàn diện, kiểm tra tổng thể các dự án để tìm ra nguyên nhân. Năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý, năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết dứt điểm.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Thu ngân sách tăng nhưng còn nhiều khó khăn
Mặc dù tổng thể thu ngân sách nhà nước vượt nhưng thu từ 3 khu vực chính là kinh tế nhà nước, doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chưa đạt 100% do có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khách quan do dự toán giao rất cao so với năm 2016. Vì vậy, dù không đạt nhưng đây là mức tích cực so với năm 2016. Về nguyên nhân chủ quan, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng còn chậm.
Tiêu Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.