Đảng viên phải “khổ trước, sướng sau”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Nói về tầm quan trọng của họ, Người có nhiều cách diễn đạt. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là cái dây chuyền của bộ máy”, “là tiền vốn của đoàn thể” và kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tuy nhiên, vai trò của người cán bộ lớn bao nhiêu thì trách nhiệm của họ cũng nặng nề bấy nhiêu và một trong những trách nhiệm mà họ nhất thiết phải thực hiện chính là nêu gương, làm gương cho nhân dân.
tin liên quan
Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài học sử dụng nhân tàiĐể giáo dục cán bộ ý thức nêu gương, Hồ Chí Minh viết: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người còn nói rõ: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Người đặt câu hỏi: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”.
Theo Hồ Chí Minh, là con người, ai cũng có 3 mối quan hệ: Với mình, với người, với việc và người cán bộ phải nêu gương trên cả 3 mặt đó. Với mình thì không tự cao tự đại; luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với người thì luôn chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung. Với việc thì luôn thực hành nguyên tắc “dĩ công, vi thượng”. Ngoài “đạo đức công vụ”, người cán bộ còn phải giữ gìn “đạo đức công dân”, phải là một thành viên tốt của gia đình, dòng họ. Họ còn phải vận động mọi thành viên trong gia đình có lối sống bình dị, chan hòa với những người xung quanh.
Thực hành nêu gương mọi nơi, mọi lúc là điều không dễ dàng, nó đòi hỏi sự hy sinh rất lớn nên Hồ Chí Minh nói rõ với cán bộ: Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong mà đó là do sự tự nguyện của mỗi người. Nếu ai không chịu nổi khó nhọc và kỷ luật của Đảng thì đừng vào Đảng hoặc khoan hãy vào, thậm chí vào rồi vẫn có thể xin ra. Còn đã là đảng viên thì việc “khổ trước, sướng sau”, phải làm gương về mọi mặt là một lẽ đương nhiên.
Không phải bằng lời mà bằng hành động
Hồ Chí Minh cũng nói rõ: Cán bộ nêu gương không phải bằng lời mà phải bằng việc bởi hành động đã nói lên tất cả. Bản thân cái đẹp, sự cao thượng luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt nên nhân dân và cán bộ tin yêu Hồ Chí Minh, nghe Hồ Chí Minh bởi Người là tấm gương ngời sáng về mọi mặt.
Có muôn vàn những câu chuyện sinh động, cảm động về sự thực hành nêu gương của Người. Sau Cách Mạng Tháng Tám, để cứu giúp đồng bào đang bị đói, Người kêu gọi nhân dân cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa và tuyên bố “tôi xin thực hành trước”. Kêu gọi nhân dân tích cực tập thể dục để có sức khỏe tốt thì Người nói: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Kêu gọi nhân dân tích cực tăng gia sản xuất thì Người duy trì nếp làm việc của mình như sau: “Việc quân, việc nước đã bàn/Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”. Yêu cầu cán bộ thực hành đạo đức thì chính Người là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng. Uy tín tuyệt đối của Người cũng bắt nguồn từ những điều giản dị đó.
|
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về lãnh đạo bằng sự nêu gương, nâng cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu chính là giải pháp “đột phá” của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn về việc xây dựng đội ngũ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ thì uy tín của họ phải được thể hiện và kiểm nghiệm bằng sự nêu gương.
Thực tế cho thấy “thượng bất chính, hạ tắc loạn” nên trong giai đoạn hiện nay, người lãnh đạo cấp cao phải nhận thức rõ và thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trước thực trạng “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương, người lãnh đạo phải làm gương cho việc không “dùng người nhà”. Khi cái “lò” chống tham nhũng đang rực cháy, người đứng đầu phải thực sự quyết tâm chống tham nhũng; nếu ai nhụt chí thì cũng cần phải cho vào “lò” vì đã gây cản trở công việc cấp bách nhất của Đảng.
Trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các nhà lãnh đạo mỗi nước đều được “soi” rất kỹ, việc tốt, việc xấu của họ đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh. Vì thế, người lãnh đạo biết làm gương, biết giữ gìn hình ảnh của chính mình cũng là giữ gìn quốc thể và đó cũng là thi đua ái quốc.
Có thể nói, nêu gương là con đường ngắn nhất để thu phục nhân tâm, truyền dẫn cảm hứng cho thanh niên nên lãnh đạo bằng sự nêu gương là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Vì thế, nó nhất thiết phải trở thành một nội dung trọng yếu của văn hóa Đảng và văn hóa lãnh đạo. Đó là chân lý mà ta rút ra từ tư tưởng và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác
Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2018), sáng 18.5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQVN đã đặt hoa và vào Lăng viếng Bác.
Dự lễ viếng có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Trần Thanh Mẫn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ; các lão thành cách mạng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư cùng dự lễ viếng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Đoàn cũng đã đến đặt vòng hoa và tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, đường Bắc Sơn, Hà Nội.
(TTXVN)
|
Bình luận (0)