Tháng 10.2019, ông Nguyễn Minh Châu mất, thì 2 tháng sau, vợ ông Châu là bà Lý Thị Thu Vân (58 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) nộp đơn khởi kiện, yêu cầu TAND Q.6 hủy quyết định công nhận 2 vợ chồng nhận nuôi con nuôi vào năm 2009 của UBND P.11 (Q.6, TP.HCM); xóa bỏ việc ghi tên vợ chồng bà trên giấy khai sinh của trẻ N.M.N.B (đang 12 tuổi - PV).
Theo bà Vân trình bày, 2 vợ chồng bà kết hôn năm 2005, sống tại căn nhà ở đường Bùi Hữu Nghĩa, P.7, Q.5 và không có con chung. Khoảng tháng 4 - tháng 5.2009, bà Vân đang ở nước ngoài thì ông Châu gọi điện nói có trẻ bị bỏ rơi và ông Châu muốn mang về nuôi dưỡng. Nhưng bà Vân không đồng ý. Sau đó, bà Vân biết ông Châu giao đứa trẻ cho bà M.X.S nuôi dưỡng từ năm 2009 đến nay.
Mọi việc liên quan đến chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đến khi ông Châu chết đều do bà S. và ông Châu tự thỏa thuận với nhau, bà Vân hoàn toàn không biết. Khi làm giấy khai sinh xong, ông Châu có cho bà Vân xem bản gốc giấy khai sinh đăng ký ngày 8.6.2009 chỉ có ghi tên trẻ, phần tên cha và mẹ đều bỏ trống.
Tuy nhiên, khi ông Châu mất, bà Vân mở két sắt của ông Châu để lại và phát hiện Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi số 193/2009 (ngày 18.6.2009) và giấy khai sinh của trẻ N.M.N.B: trong đó đề tên cha là Nguyễn Minh Châu và tên mẹ là bà Lý Thị Thu Vân.
Tại tòa sơ thẩm, bà Vân cho rằng ông Châu và bà là vợ chồng nên việc nhận con nuôi phải do cả hai vợ chồng đồng ý. Nhưng bà Vân khẳng định chưa từng làm hồ sơ, thủ tục xin nhận con nuôi đối với trẻ tại UBND P.11, Q.6. Do đó UBND phường công nhận bà Vân là mẹ của trẻ B. là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền tài sản của bà Vân.
Đối với bên bị kiện, UBND P.11, Q.6 lý giải, trẻ B. bị bỏ rơi nên ông Châu làm thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ. Ngày 10.6.2009, ông Châu và bà Vân có tờ cam đoan gửi Công an P.14, Q.10 (TP.HCM) xác nhận về việc có nguyện vọng nuôi trẻ B. Đến ngày 11.6.2009, vợ chồng ông Châu tiến hành đăng ký nuôi con nuôi và nộp các tài liệu liên quan theo quy định pháp luật. Từ đó, ngày 18.6.2009, UBND P.11 ban hành quyết định công nhận ông Châu, bà Vân là cha mẹ nuôi của trẻ B. Căn cứ vào quyết định này, ngày 23.6.2009, ủy ban phường bổ sung tên cha và tên mẹ trên giấy khai sinh của trẻ B.
Tòa: 'Chồng không thể đơn phương nhận con nuôi'
Bà M.X.S, người được ông Châu nhờ chăm sóc và nuôi dùm bé B., trình bày tại tòa ông Châu mua một căn nhà trên đường Lý Thái Tổ (P.9, Q.10) cho bé B. ở và nhờ bà S. đến đây ở để tiện chăm sóc B. Thỉnh thoảng cuối tuần, ông Châu, bà Vân đều đến thăm bé, dắt bé đi chơi. Mối quan hệ giữa bà Vân và bé B. vẫn bình thường.
Theo bà S., bà được biết ông Châu muốn nhận nuôi trẻ nhưng bà Vân không đồng ý. Ông Châu là người hàng tháng đưa chi phí và tiền công nuôi bé B. cho bà S. Đến khi ông Châu mất, thì tiền này do người làm việc cho ông Châu trước đây tiếp tục gửi. Cũng theo bà S., tiền này là từ tài sản ông Châu để lại.
Tháng 9.2020, TAND Q.6 xét xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vân. Tuyên hủy quyết định công nhận vợ chồng bà Vân là cha mẹ nuôi của bé B.; hủy bỏ thông tin cha mẹ nuôi là vợ chồng bà Vân trong giấy khai sinh của bé B.
Theo TAND Q.6, căn cứ Điều 27 Nghị định 158/NĐ-CP năm 2005 quy định: “Người nhận con nuôi phải trực tiếp nộp hồ sơ nhận con nuôi cho UBND cấp xã, nơi đăng ký việc nuôi con nuôi; trước khi đăng ký việc nuôi con nuôi, cán bộ tư pháp hộ tịch phải kiểm tra, xác minh kỹ các nội dung: tính tự nguyện của người cho và nhận con nuôi, tư cách của người nhận con nuôi, mục đích nhận con nuôi…”.
Tuy nhiên, bà Vân trình bày không làm thủ tục nhận trẻ B. làm con nuôi và theo kết luận giám định tháng 6.2020 của phân viện khoa học hình sự tại TP.HCM (Bộ Công an) kết luận: chữ viết “Van” và chữ viết họ tên “Lý Thị Thu Vân” trên các tài liệu giám định “đơn tường trình và xin đăng ký khai sinh cho con nuôi”, “sổ đăng ký việc nhận nuôi con nuôi”, “tờ cam đoan” “giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi” thời điểm năm 2009, so với chữ viết mang tên Lý Thị Thu Vân trên các tài liệu mẫu so sánh, đầu không phải do một người viết/ký ra.
Từ kết luận giám định trên, TAND Q.6 nhận định việc nhận trẻ B.làm con nuôi chỉ thể hiện ý chí tự nguyện của ông Châu. Riêng bà Vân không làm thủ tục nhận bé B. làm con nuôi là có thật, vì vậy, hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi không thể hiện ý chí, tự nguyện của bà Vân.
“Ông Châu và bà Vân là vợ chồng hợp pháp. Khoản 2 Điều 68 luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định “một người chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của hai người là vợ chồng”. Như vậy, trẻ B. chỉ có thể làm con nuôi của cả hai vợ chồng ông Châu và bà Vân, mà không thể làm con nuôi của một mình ông Châu - người đang có vợ”, HĐXX sơ thẩm phân tích.
Ngoài ra, theo HĐXX, bé B. là trẻ bị bỏ rơi nhưnng xét việc thỏa thuận cho và nhận con nuôi không đúng với thực tế và không đúng quy định nên đủ cơ sở khẳng định toàn bộ nội dung quyết định công nhận vợ chồng bà Vân là cha mẹ nuôi của trẻ B. là trái pháp luật, nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là bà Vân.
Viện KSND TP.HCM: Cần tôn trọng ý chí của người đã chếtĐầu tháng 10.2020, Viện KSND TP.HCM kháng nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND Q.6 (TP.HCM) khi hủy quyết định công nhận vợ chồng bà Vân là cha mẹ nuôi của trẻ B.
Theo Viện KSND TP.HCM, TAND Q.6 tuyên trẻ B. chỉ có thể làm con nuôi của cả hai vợ chồng, mà không thể làm con nuôi của một mình ông Châu là người đang có vợ, là chưa xem xét đầy đủ quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cũng như ý chí của ông Châu về việc nhận trẻ B. làm con nuôi, làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân và lợi ích hợp pháp của trẻ B.
Viện KSND TP.HCM phân tích, theo đơn tường trình của bà Vân vào ngày 12.8.2020, bà biết chồng mình có nhận nuôi trẻ B. và làm các thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND P.11 nhưng từ năm 2009 đến khi ông Châu chết, bà Vân không ý kiến cũng như phản đối hay khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền về việc ông Châu nhận con nuôi; sau khi ông Châu chết, bà Vân tiếp tục gửi tiền để bà M.X.S (người ông Châu thuê chăm sóc trẻ B.) chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ B. Điều này khẳng định một lần nữa bà Vân biết và thừa nhận trẻ B. là con nuôi của hai vợ chồng. Bởi theo khoản 1 Điều 50 luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa cha, mẹ và con.
Hơn nữa, căn cứ Điều 76, 77 luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trường hợp của trẻ B. không thuộc các trường hợp mà luật quy định để tòa án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi và nếu có yêu cầu chấm dứt thì phải có yêu cầu từ 2 vợ chồng bà Vân.
Bên cạnh đó, theo VKS, bà Vân cũng thừa nhận việc nhận nuôi trẻ B. chỉ là nguyện vọng, ý chí tự nguyện của ông Châu. Từ đó, căn cứ Điều 19 luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 “vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình”. Và theo Điều 44 bộ luật dân sự “mỗi cá nhân có quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi được pháp luật bảo hộ và công nhận”.
Vì vậy, nay ông Châu đã chết thì bà Vân phải tôn trọng ý chí của ông Châu bằng việc công nhận trẻ B. làm con nuôi. Theo VKS, đây không chỉ là quy định pháp luật mà còn là đạo lý giữa vợ chồng.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị làm rõ thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính còn hay không, vì theo quy định của luật Tố tụng hành chính năm 2015, thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính. Đồng thời, hiện nay người giám hộ cho trẻ B. là ai, trong khi bà S. chỉ là người ông Châu thuê để chăm trẻ B. nhưng cấp sơ thẩm lại đưa bà S. tham gia vụ án với tư cách là người giám hộ, người địa diện theo pháp luật cho của trẻ B.
|
Bình luận (0)