Ngày 13.7, TAND Q.Tân Phú xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Nguyễn Hùng Hải (23 tuổi, quê Thanh Hóa) 1 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh.
Đã bỏ chạy vẫn bị truy đánh
Theo cáo trạng, Hải là tài xế xe ôm GrabBike. Khoảng 23 giờ ngày 14.1.2019, bị cáo lái xe máy chở khách đến một căn nhà trên đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú (TP.HCM). Sau khi khách xuống xe, Hải tấp vào sát lề đường để xem điện thoại.
Lúc đó, P.V.A trên đường đi nhậu về, bất ngờ xông đến đánh vào mặt bị cáo. Chưa kịp phản ứng, Hải lại bị P.V.A đánh văng chiếc điện thoại đang cầm trên tay. Đột nhiên bị người lạ tấn công, Hải hốt hoảng xuống xe bỏ chạy. P.V.A sau khi xô ngã xe máy của Hải thì truy đuổi theo sau.
Khi bị P.V.A nắm mũ áo khoác kéo lại, Hải liền tháo nón bảo hiểm đang đội trên đầu, đánh vào vai trái nạn nhân để thoát thân nhưng V.A vẫn không dừng hành vi tấn công. Trong lúc hai bên xô xát, Hải dùng nón đánh vào đầu khiến V.A bất tỉnh.
Thấy V.A ngã xuống, Hải liền đến đỡ nạn nhân dậy. Tuy nhiên, khi thấy người dân xung quanh truy hô, định xông vào đánh mình, Hải hoảng sợ bỏ chạy rồi đến công an trình báo sự việc. Hôm sau, P.V.A tử vong do chấn thương sọ não.
Bị cáo đánh lại chỉ để tự vệ
Tại phiên tòa, Hải trình bày việc đánh trả bị hại chỉ để thoát thân, tự vệ. Hải thừa nhận đã dùng nón bảo hiểm đánh V.A nhưng không đánh vào đầu. Sau cú đánh vào vai, V.A liền ngã xuống bất tỉnh. Việc khai dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu V.A như cáo trạng nêu là do trong lúc hỏi cung, tinh thần không minh mẫn nên khai như vậy. “Bị cáo không biết V.A là ai, anh ta và bị cáo không hề quen biết nhau”, Hải trình bày với HĐXX.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Hải cho rằng việc V.A tử vong là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. “Giữa Hải và bị hại hoàn toàn không quen biết, không có mâu thuẫn gì với nhau. Tuy nhiên, bị hại lại vô cớ tiến đến hành hung liên tiếp Hải vào nửa đêm, buộc bị cáo phải chống trả”, luật sư phân tích và nhận định một chuỗi hành vi tấn công của V.A là nguyên nhân dẫn tới việc bị cáo dùng nón bảo hiểm để đánh lại: “Ngay từ đầu, bị cáo không hề có ý muốn tấn công ngược lại nạn nhân. Điều này thể hiện ở việc bị cáo đã thả xe xuống, bỏ chạy nhằm né những cú tấn công liên tục của V.A”.
Luật sư cho rằng việc bị cáo đánh lại chỉ nhằm mục đích tự vệ chứ không hề có ý định cố tước đoạt mạng sống của V.A. Khi nạn nhân ngã xuống, bị cáo cũng có hành động đến đỡ nạn nhân, tự nguyện đến công an khai báo chứ không hề có ý định bỏ mặc hay chối tội.
HĐXX nhận định quá trình điều tra đã xác định trước đó P.V.A không đánh nhau với ai, không bị té ngã hay thương tích gì khác. Vì vậy, toàn bộ thương tích trên người bị hại đều do bị cáo trực tiếp tác động nên bị cáo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tuy nhiên, do bị cáo thành khẩn khai báo, tác động gia đình bồi thường thiệt hại, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa tuyên bị cáo mức án 1 năm 6 tháng tù; đồng thời bị cáo phải bồi thường gia đình bị hại 224 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi con của V.A mỗi tháng 2 triệu đồng.
Đôi vai gầy người mẹ và khoản tiền bồi thường nặng trĩu
Ngồi phía hàng ghế của gia đình bị cáo, ba của bị cáo là ông Nguyễn Văn Nam (55 tuổi, quê Thanh Hóa) liên tục trấn an vợ mình - bà Lê Thị Sen (52 tuổi, quê Thanh Hóa), khi nghe nhà bị hại đòi số tiền bồi thường quá lớn. Mới hơn nửa đời người nhưng tóc ông đã trắng cả mái đầu. Trong một lần phụ hồ, bị rơi từ giàn giáo, cái lưng của người cha bây giờ đã chẳng còn nguyên vẹn. Thỉnh thoảng, ông lại phải đưa tay về phía sau, xoa xoa lưng khi những cơn đau tái phát.
Ông chia sẻ vì tai nạn lao động ngày xưa, mọi gánh nặng kinh tế hiện tại đè nặng lên đôi vai của vợ. Là trụ cột gia đình, ông bất lực khi nhìn vợ oằn mình ra ngoài bươn chải. Ban ngày, bà nhặt hạt điều, phụ vườn tược, nhà cửa cho người ta. Buổi tối, vợ ông lại đẩy chiếc xe cà tàng đi nhặt ve chai đến tờ mờ sáng... “Gia đình đã khổ, con bé lớn tưởng lấy được tấm chồng, yên bề gia thất. Nào ngờ, chồng bỏ, nó ôm con qua ở với ba mẹ. Một mình bà ấy phải lo bao nhiêu thứ”, ông Nam nghẹn giọng.
Người làm chỉ một, miệng ăn ngày càng nhiều, vì vậy nợ càng thêm nợ. Từ đó, Hải cũng làm thêm nhiều việc để phụ mẹ cha. Nay chẳng những phần thu nhập từ Hải không còn, gánh nợ bồi thường 224 triệu, cộng thêm tiền chu cấp cho con bị hại một tháng 2 triệu càng trở thành núi tảng đè nặng lên mái nhà tôn lụp xụp của gia đình ông Nam, lên đôi vai gầy guộc của bà Sen. “Làm sao kiếm đủ tiền đền cho người ta?”, người mẹ quệt dòng nước mắt chảy dài.
Tại phiên tòa, có người bất bình nói với ông Nam: “Tại sao chú không trình bày với tòa, số tiền ấy với gia đình quá lớn...”. Nghe vậy, ông chỉ lắc đầu, thở dài: “Dù gì con mình cũng đánh chết người ta, bao nhiêu tiền thì cũng phải đền cho bằng được...”. Ngồi kế bên chồng, bà Sen gục mặt xuống bàn, đôi vai gầy gò thỉnh thoảng lại rung lên. Bà liên tục tự trách bản thân mình vì không lo được cho con, để Hải bươn chải lúc nửa đêm rồi xảy ra cơ sự.
Hỏi ra mới biết, Hải đã tốt nghiệp cao đẳng. Ban ngày, Hải làm nhân viên sửa chữa ô tô. Buổi tối, để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, Hải mượn chiếc xe máy cũ của người hàng xóm, đăng ký chạy xe ôm đến tờ mờ sáng. Nhắc đến con trai, ánh mắt bà Sen tự hào: “Hải nó học giỏi lắm, nhiều năm được học bổng của trường”, rồi nước mắt lại ứa ra trên gương mặt khắc khổ: “Nó mơ được vào đại học, làm công an, nhưng tại tôi nghèo, đâu kiếm ra tiền lo được cho con. Thằng nhỏ hiểu chuyện chọn học cao đẳng, ban ngày đi học, buổi tối đi phụ nhà hàng tới khuya. Suốt mấy năm nó đi học, tôi chỉ dành dụm gửi con được 5 triệu”.
Ngày nhận được tin Hải bị bắt, trước mắt bà bỗng tối sầm, mọi thứ như sụp đổ. Bà hỏi đi hỏi lại, không tin đứa con ngoan hiền, hiếu thảo lại đánh người khác tử vong. Rồi khi biết được nội dung sự việc, không đêm nào là bà không tự dằn vặt bản thân. “Mẹ là người có lỗi, không lo được cho gia đình, khiến con phải bươn chải lúc nửa đêm để phụ cả nhà trả nợ”, bà nghẹn ngào.
Bình luận (0)