Chủ đầu tư 8B Lê Trực khởi kiện UBND quận Ba Đình, Hà Nội

29/08/2017 20:26 GMT+7

Chiều 29.8, chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực lần đầu “phản pháo” về xử lý công trình của cơ quan chức năng và cho biết đã gửi đơn kiện UBND quận Ba Đình ra Tòa án nhân dân TP.Hà Nội.

Theo ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực), cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đã thực hiện xong giai đoạn 1 là phá tầng 19 của tòa nhà, chưa biết khi nào tiếp tục thực hiện phá dỡ giai đoạn 2.
Phù hợp quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được duyệt?
Cung cấp thông tin cho báo chí kèm theo một số văn bản thực hiện dự án, ông Hùng cho biết, “công trình 8BLê Trực được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Việc cưỡng chế phá dỡ đã không căn cứ vào Quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào Giấy phép xây dựng cấp tháng 3.2014 là không đúng quy định pháp luật. Trong khi giấy phép này không cấp đúng với Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Công trình 8b Lê Trực thuộc diện không cần cấp giấy phép xây dựng…”.
Vẫn theo ông Hùng, tháng 12.2008, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định thể hiện khu đất xây dựng công trình 8b Lê Trực cao tối đa 70 m, cụm hỗn hợp cao 17 tầng, khối đế 5 tầng (chưa tính 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái). Chiều cao 70 m này cũng tuân thủ ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tại văn bản tháng 1.2008.
Đến tháng 3.2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận Quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 và Phương án thiết kế kiến trúc với tiêu chí quy hoạch: Chiều cao công trình 69,1 m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái).
Tháng 4.2009, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản thông báo kết quả thẩm định cơ sở công trình với chiều cao 69,1 m; 20 tầng nổi. Năm 2010, hồ sơ Thiết kế kỹ thuật và Hồ sơ Thiết kế chi tiết bản vẽ thi công được Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm tra. Sau đó, từ năm 2010, Công ty CP May Lê Trực triển khai dự án.
“Chủ đầu tư đã thi công công trình tuân thủ theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận Quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/500 và phường án thiết kế kiến trúc. Đồng thời thi công theo thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng thẩm định với chiều cao công trình là 69,1 m và 20 tầng nổi”, ông Hùng nói.
Công trình thuộc diện "không cần xin cấp Giấy phép xây dựng"
Cũng theo ông Hùng, việc cưỡng chế phá dỡ công trình 8b Lê Trực dựa theo Giấy phép xây dựng cấp tháng 3.2014, tuy nhiên giấy phép này cấp không đúng Tiêu chuẩn thiết kế và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Ông Lê Văn Hùng - Phó tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực lần đầu tỏ ra bức xúc về cách xử lý công trình 8B Lê Trực của cơ quan chức năng Ảnh Lê Quân

Dẫn Quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu đất 8B Lê Trực đến nay vẫn còn hiệu lực, ông Hùng cho rằng, theo quy định tại một số văn bản do Chính phủ, UBND TP.Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, dự án 8B Lê Trực thuộc diện được xây dựng theo Quy hoạch chi tiết 1/500 đã phê duyệt mà không cần xin Giấy phép xây dựng.
“Theo khoản 4, điều 30 của luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 của Quốc hội khóa 12, đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng. Việc cấp giấy phép xây dựng cho dự án 8BLê Trực và xây dựng công trình phải tuân thủ theo đúng Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, là chiều cao công trình 69,1 m; 20 tầng (bao gồm 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái)”, ông Hùng nói.
Dù vậy, tháng 3.2014, Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp Giấy phép xây dựng công trình không đúng với Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được phê duyệt và tiêu chuẩn thiết kế. Sau khi dẫn các thông số chiều cao của công trình được cấp phép và phân tích về chiều cao trung bình các tầng theo cấp phép này, ông Hùng cho rằng, việc Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép giảm 1 tầng ở, 1 tầng kỹ thuật và giảm 16,1 m chiều cao công trình là trái với Quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt từ tháng 12.2008 của UBND TP.Hà Nội.
"Theo quy định, nếu cấp phép có điều chỉnh thì phải điều chỉnh quy hoạch và cấp có thẩm quyền là UBND TP.Hà Nội chứ không phải cấp Sở Xây dựng Hà Nội. Và việc điều chỉnh này phải phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế nhà cao tầng đã được ban hành”, đại diện Công ty CP May Lê Trực nói.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, việc cấp phép là chức năng của Sở Xây dựng Hà Nội và từ chối trả lời thêm về công trình 8B Lê Trực.
Còn theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện chủ đầu tư đã gửi đơn kiện ra Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, và đang chờ tổ chức phiên tòa xét xử việc đúng sai liên quan đến công trình 8B Lê Trực.
Trước đó, theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP.Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với Giấy phép xây dựng đã được cấp.
Cụ thể, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
Tháng 11.2015, TP.Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, gần 1 năm sau thì hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.