Ông Chung cho biết, toàn thành phố có 83 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang cung cấp 170 hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng khác nhau cho các cơ quan thuộc thành phố và các quận, huyện.
Tổng chi từ năm 2016 đến nay cho chương trình này là 1.471 tỉ đồng. Đến nay đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 phường, xã.
Về việc lắp đặt camera giám sát, ông Chung thông tin “thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, thành phố đã giao các quận, huyện khảo sát để lắp đặt camera tích hợp, vừa phục vụ giao thông, vừa đảm bảo việc giám sát liên quan đến môi trường, vệ sinh, trật tự đô thị.
Hà Nội cũng đã triển khai và hoàn thành 3/6 hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu cốt lõi là quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm và dân cư, đang đẩy nhanh tiến độ hệ thống dữ liệu về đất đai.
Theo ông Chung, với hệ thống hiện triển khai, trung bình một năm học Hà Nội có khoảng gần 300.000 học sinh được tuyển sinh trực tuyến, các gia đình không phải đến tận các trường học, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm phiền hà cho người dân, chống tiêu cực, đảm bảo được sự minh bạch.
Từ 24.10.2018 đến nay, Hà Nội cũng đã có 1.272/1.796 thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4; trong đó 15,5% là mức độ 4, còn lại mức độ 3.
“Một trong những nội dung mọi người đang rất quan tâm là hệ thống này bảo mật thế nào, có lộ lọt dữ liệu gì không. Tôi xin báo cáo là hệ thống bảo mật hiện chúng ta thuê các trung tâm, server thuê, đường truyền thuê, chúng ta cũng thuê các trung tâm dạy cán bộ/công chức/viên chức, phần mềm cũng thuê, máy tính thì Sở Tài chính đấu thầu tập trung. Một số dự án số hóa dữ liệu thành phố đã phân cấp cho các sở, ngành, quận huyện cũng được đấu thầu công khai minh bạch ở mạng đấu thầu quốc gia”, ông Chung nói, và nhấn mạnh chủ trương thuê các dịch vụ này là thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ và các nước khác cũng thực hiện như vậy, vì nếu có cả một bộ máy vận hành sẽ tốn kém.
Nhưng Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định hệ thống “là hoàn toàn bảo mật”. “Thành phố đã hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ để bảo mật. Các ứng dụng truy nhập chỉ được truy cập khi đặt máy tính được kết nối với mạng. Chúng ta cũng lấy địa chỉ IP của máy tính để di biến hóa. Máy tính đó phải được nhập vào hệ thống thì nó mới hoạt động và phải đúng địa chỉ. Ví dụ, máy tính nhập hệ thống ở 79 Đinh Tiên Hoàng mà anh sang 81 thì nó cũng không chạy được.
Tài khoản người dùng được cấp theo yêu cầu theo đúng mô tả vị trí việc làm. Mỗi người chỉ được phân quyền sử dụng đến mức độ nào đó. Tất cả bản text đều được mã hóa và sẽ không thể khôi phục được khi mang đi nơi khác”, ông Chung nói, đồng thời cho hay: “Máy chủ ứng dụng và máy chủ cơ sở dữ liệu của hệ thống được kết nối với máy chủ giám sát của Ban Cơ yếu Chính phủ. Mọi thay đổi, thao tác trên hệ thống ứng dụng đều được máy chủ này ghi lại vết và phân tích, giám sát”.
Liên quan đến phản ánh của người dân xung quanh việc xử lý ô nhiễm sông, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết thành phố đang thí nghiệm nhiều công nghệ mới và đã xử lý được rất nhiều hồ một cách hiệu quả.
“Nếu sông Tô Lịch mà nước đứng thì đưa các chất này xuống xử lý được như các hồ ngay, nhưng cái khó của chúng ta là nước chảy, nên chúng tôi đang thí điểm toàn bộ công nghệ, thời gian tới sẽ cố gắng làm hết mùi”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thông tin.
Bình luận (0)