Chiều 16.9, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức lễ bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND tối cao.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao với 4 ông, bà: Nguyễn Biên Thuỳ (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre); Nguyễn Văn Dũng (Phó chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng); Đào Thị Minh Thuỷ (Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội) và Ngô Tiến Hùng (Chánh văn phòng TAND Tối cao).
Các quyết định bổ nhiệm này có hiệu lực từ 1.10.2021.
Sau khi trao quyết định bổ nhiệm cho 4 tân thẩm phán TAND tối cao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giao nhiệm vụ và nhấn mạnh 4 tân thẩm phán được bổ nhiệm lần này đều là những cán bộ có lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng; đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, xét xử.
Theo Chủ tịch nước, công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là cải cách tự pháp trong TAND, là một trong những nội dung chủ yếu để xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đặt ra cho hệ thống tòa án những nhiệm vụ rất quan trọng.
Ông cho biết tới đây Chủ tịch nước sẽ có buổi làm việc với TAND Tối cao để chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của TAND các cấp.
Chủ tịch nước đề nghị cán bộ, thẩm phán, công chức trong hệ thống TAND nói chung và 4 tân thẩm phán được bổ nhiệm lần này cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; mỗi thẩm phán cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò trách nhiệm của mình.
Chủ tịch nước nhắc lại tòa án là cơ quan duy nhất được nhân danh nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người. Do đó, người thẩm phán phải luôn ý thức tinh thần trách nhiệm trước pháp luật.
“Bất kỳ sai sót nào của thẩm phán đều hưởng đến kết quả, chất lượng xét xử, ảnh hưởng đến uy danh của tòa án và niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý. Vì vậy, trong công tác xét xử không cho phép người thẩm phán có những quyết định, phán quyết chủ quan, không đúng pháp luật, không hợp lòng dân, không đảm bảo công lý”, Chủ tịch nước lưu ý.
Ông cũng yêu cầu các thẩm phán không ngừng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xét xử; giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư; đồng thời, cần thường xuyên phải nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua mọi cám dỗ trong cuộc sống.
Bình luận (0)