Chủ tịch Quốc hội: Không thể đụng đâu cũng phải xin phép và nộp phí

17/09/2015 15:02 GMT+7

(TNO) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ nhiều lo ngại khi cho ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý trang thiết bị y tế: "Trước đây thuốc đã bao nhiêu chuyện rồi. Giám đốc bệnh viện cũng thành anh tiếp thị bán thuốc. Giờ làm mảng trang thiết bị này, ai muốn ngọ nguậy phải đến Bộ Y tế, Sở Y tế".

(TNO) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ nhiều lo ngại khi cho ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý trang thiết bị y tế: "Trước đây thuốc đã bao nhiêu chuyện rồi. Giám đốc bệnh viện cũng thành anh tiếp thị bán thuốc. Giờ làm mảng trang thiết bị này, ai muốn ngọ nguậy phải đến Bộ Y tế, Sở Y tế".

nguyen-sinh-hungChủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại các quy định xiết chặt của Nghị định quản lý TTBYT có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt trang thiết bị và thúc đẩy hàng lậu -
Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng nay 17.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc ban hành Nghị định về quản lý TTBYT. Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình về dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, thực trạng quản lý TTBYT trong thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, cần khắc phục.

Ông Tiến dẫn chứng việc hầu hết TTBYT đang sử dụng tại các cơ sở y tế chưa được định kỳ kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn vốn để đầu tư và đổi mới, nhiều địa phương không có đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, hiện nay việc quản lý cấp giấy phép nhập khẩu chỉ thực hiện đối với 50 chủng loại TTBYT nhưng trên thực tế, số lượng chủng loại TTBYT lớn hơn số đang quản lý rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc quản lý TTBYT nhập khẩu cũng chưa đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cũng như các quy định hội nhập quản lý TTBYT của khu vực và thế giới..

Cấp phép đủ kiểu có dẫn đến tiêu cực?

truong-thi-maiChủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Ngọc Thắng

Thừa nhận tình hình quản lý TTBYT có lỏng lẻo, có lúc gây thiệt hại, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo ngại quy định tại nghị định này sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt TTBYT.

“Nghị định quy định như vậy làm sao người ta cựa quậy được? Sẽ thiếu trang thiết bị, cuối cùng sẽ xảy ra chuyện buôn gian, bán lậu. Quản lý vẫn rất chặt nhưng hàng lậu sẽ lại ngang nhiên vào”, Chủ tịch Quốc hội cảnh báo.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, ngành y tế đã từng có bài học trong việc quản lý giá thuốc trước đây, từng làm diễn đàn Quốc hội liên tục sôi động chuyện giá thuốc. “Nguyên nhân sâu xa là do chỉ định vài ba doanh nghiệp nhập khẩu thôi, đến lúc mở ra là giá thuốc xuống ngay”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn về khả năng ngành y tế, vốn không phải đơn vị liên quan đến sản xuất TTBYT, có đủ sức trong việc quản lý sản xuất thiết bị này hay không. "Bây giờ sản xuất, ngành y tế có đủ điều kiện vào kiểm tra tất cả được không? Với thiết bị nhập khẩu, ngành y tế có thể xem xét tất cả các loại được không?”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội cũng lo ngại đặt thêm một loạt câu hỏi đối với đại diện ngành Y tại phiên họp: "Các đồng chí nhảy vào cấp phép đủ kiểu như thế này có dẫn đến tiêu cực không? Ngành y tế có thành một ngành tiêu cực vì chuyện này không? Trước đây thuốc đã bao nhiêu chuyện, rồi bệnh viện trở thành nơi tiếp thị thuốc cho các doanh nghiệp. Giám đốc bệnh viện cũng thành anh tiếp thị bán thuốc. Giờ làm mảng trang thiết bị này, ai muốn ngọ nguậy phải đến Bộ Y tế, Sở Y tế. Hiện tượng này các đồng chí phải cảnh báo”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị định về quản lý TTBYT cần phải là nghị định quy định điều kiện chứ không phải là đụng đâu cũng phải “xin phép”. "Luật quy định điều kiện gì vào đây để người ta làm, chứ không phải đụng cái gì cũng phải xin phép, phải nộp phí. Các loại máy móc y tế về Việt Nam sẽ thành đắt nhất vì đủ loại phí”, Chủ tịch Quốc hội cảnh báo, và nhấn mạnh tất cả các loại phí đó cuối cùng đổ lên bệnh nhân hết. "Một ca chụp, xét nghiệm đáng giá 100 nghìn người ta sẽ sẵn sàng lấy 300 - 400 nghìn vì cái máy chụp chịu đủ loại phí. Như thế Nhà nước thiệt, người bệnh thiệt, cán bộ công chức thì rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn thực tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phải đổi mới tư duy, nghiên cứu xây dựng lại nghị định này theo hướng nghị định điều kiện chứ không phải nghị định “thu phí đủ kiểu” như dự thảo này.

Đề nghị quản lý TTBYT như quản lý công sản

Trình ý kiến của Ủy ban các vấn đề xã hội về dự thảo nghị định trên, Chủ nhiệm Ủy ban này - bà Trương Thị Mai cho biết đa số tán thành với phạm vi điều chỉnh, đó là quản lý TTBYT từ khâu sản xuất, kinh doanh, lưu hành, nhập khẩu đến sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn ở tất cả các cơ sở y tế công và tư.

Tuy nhiên, theo bà Mai, Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị cần bổ sung vào dự thảo nghị định một số vấn đề, như quy định về quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế; quy định về quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế hoặc của Hội đồng bệnh viện trong việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn TTBYT; quyền, trách nhiệm của cơ sở y tế, cán bộ y tế khi sử dụng TTBYT cho người bệnh, nhất là trách nhiệm khi xảy ra tai biến gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Theo bà Mai, nghị định cũng cần bổ sung một chương quy định về quản lý, sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế công, vì hiện nay, giá trị của TTBYT ở các bệnh viện công chiếm khoảng 40% tổng tài sản. Do đó, quản lý TTBYT ở các cơ sở y tế công phải được quản lý như công sản, vì liên quan đến sử dụng nguồn vốn từ ngân sách và quỹ BHYT.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.