Chiều 15.7, báo cáo một số nội dung dự kiến tiếp thu chỉnh lý của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với vấn đề giảm phó chủ tịch hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đề xuất phương án mới.
Theo đó, phương án này quy định, lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách. Trong trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách, thì bố trí 1 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Còn trường hợp chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
Tuy nhiên, thảo luận sau đó, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn không đồng tình với phương án giảm số phó chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, giảm số lượng đại biểu HĐND thì đa số các ý kiến đồng tình, nhưng việc giảm các vị trí chuyên trách (phó chủ tịch HĐND) thì chưa nhận được sự đồng tình cao của các địa phương.
“Đồng ý là giảm số lượng nhưng giảm chỗ nào chứ không nên giảm phó chủ tịch, phó ban HĐND cấp tỉnh”, ông Chiến nêu.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử để tăng cường hiệu lực, sức mạnh của các cơ quan này trong việc quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát.
“Không thể theo hướng tinh giản bộ máy của cơ quan dân cử. Nếu như thế thì đi ngược xu thế”, ông Hiển nói và đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội cũng nên có ý kiến cụ thể với cấp có thẩm quyền, dù vấn đề này đã được ghi rõ trong nghị quyết của T.Ư.
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng băn khoăn, khi thuyết trình việc tăng số phó chủ tịch xã loại 2 thì cơ quan soạn thảo nói rằng, việc tăng 5.500 phó chủ tịch các xã này là hợp lý, trong khi cả nước chỉ có 63 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh thì lại nhất quyết giảm.
Chính phủ cũng đang giảm biên chế rất mạnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, định hướng chung là cơ quan dân cử là ngày càng phải tăng số lượng chuyên trách (cả Quốc hội và HĐND) và nâng cao chất lượng cơ quan dân cử để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực.
"Đã có nghị quyết T.Ư rồi thì phải cụ thể hóa, nếu vướng vấn đề gì thì báo cáo lại", bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, thời gian vừa qua có ý kiến nói rằng, việc giữ 2 vị trí phó chủ tịch HĐND làm tăng biên chế là không đúng, vì 1 phó chủ tịch HĐND hiện nay được nâng lên từ vị trí ủy viên thường trực HĐND trước đây.
“Bây giờ lấy lý do để đề xuất giảm là không có cơ sở”, bà Ngân nhắc lại, và cho rằng phương án mà Chính phủ mới đề xuất có vẻ dung hòa, song chỉ nên áp dụng với cấp huyện, còn ở cấp tỉnh thì cần cân nhắc.
“Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử? Thái độ của mình xem cơ quan dân cử thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề và đề nghị báo cáo lại Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư về ý kiến của dân đối với vấn đề này.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, nhấn mạnh cơ sở xây dựng luật sửa đổi 2 luật này là các nghị quyết của Đảng và thực tiễn triển khai trong thời vừa qua.
Ông Tân cho biết, phương án quy định số phó chủ tịch HĐND mới không làm giảm số lãnh đạo hoạt động chuyên trách, mà quy định cứng lãnh đạo HĐND có 2 đại biểu chuyên trách.
“Trong trường hợp bí thư tỉnh ủy là chủ tịch HĐND tỉnh thì sẽ bố trí 2 phó chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, cũng có một số tỉnh, chủ tịch HĐND không phải là bí thư tỉnh ủy mà là đại biểu chuyên trách, thì chỉ cần 1 phó chủ tịch HĐND”, ông Tân nói.
Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo không đặt vấn đề so sánh giảm biên chế trong cơ quan chính quyền hay cơ quan dân cử, và khẳng định hiện Chính phủ cũng đang làm rất mạnh trong vấn đề này.
Bình luận (0)