Ngày 15.6, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và UBND TP.Quy Nhơn (Bình Định) xem xét các vị trí có khả năng tiếp nhận chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn do Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất, báo cáo đề xuất phương án để UBND tỉnh xem xét.
tin liên quan
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói hành vi lấp đầm Thị Nại là phá hoạiTrước đó, ngày 27.5, Cục Hàng hải Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định về vị trí đổ chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn năm 2019 và các năm tiếp theo.
Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, cho biết Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất khối lượng nạo vét ở luồng ra vào cảng Quy Nhơn dự kiến khoảng 300.000 m3 và đưa ra 3 phương án đổ thải, trong đó có phương án nhận chìm vật chất nạo vét ra khu vực biển.
Sở TN-MT tỉnh Bình Định đã mời đại diện Cục Hàng hải Việt Nam và các ngành liên quan cùng họp bàn để có đề xuất lên UBND tỉnh Bình Định. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương đồng ý cho thực hiện nạo vét và yêu cầu mọi việc đều phải thực hiện theo quy định.
“Tức là Cục Hàng hải phải lập phương án nạo vét, tính toán khối lượng, đề xuất vị trí đổ thải đảm bảo đúng các quy định, báo cáo lại UBND tỉnh Bình Định. Sau đó mới tính toán đến các vấn đề về môi trường, vị trí đổ thải, phương án nạo vét như thế nào… Nhưng hiện Cục hàng hải Việt Nam mới thực hiện ở mức độ chủ trương thôi. Tất cả phải chờ Cục Hàng hải có đề xuất phương án cụ thể, mới có sơ sở xem xét, quyết định được”, ông Tùng giải thích.
Theo ông Tùng, nếu khối lượng nhấn chìm thuộc thẩm quyền UBND tỉnh Bình Định, thì tỉnh sẽ xem xét quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường, còn vượt quá thẩm quyền của tỉnh thì sẽ trình Bộ TN-MT quyết định.
Một cán bộ Chi cục Biển và Hải đảo Bình Định (thuộc Sở TN-MT tỉnh Bình Định) cho biết việc nạo vét, thông luồng hàng hải Quy Nhơn là việc làm thường xuyên của Cục Hàng hải Việt Nam, do luồng lạch hàng năm đều bị bồi lấp nên không đảm bảo về độ sâu của luồng hàng hải để các tàu thuyền ra vào…
Vật chất nạo vét này chủ yếu là bùn thải, bùn đất và các chất phù sa ở cửa biển từ đầm Thị Nại đổ ra.
Tuy nhiên, theo quy định thì việc nạo vét phải có dự án, nêu rõ khối lượng cần nạo vét, báo cáo đánh giá tác động môi trường…, và đặc biệt là được sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Bình luận (0)