Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến các "hung thần" xe ba gác chở vật liệu cồng kềnh, sắc nhọn phóng bạt mạng trên đường. Lực lượng CSGT tại TP.HCM cũng nhiều lần ra quân xử phạt các xe ba gác cũ kỹ, xe cồng kềnh, quá tải... tuy nhiên tình trạng này đến nay vẫn chưa thuyên giảm nhiều.
Tại khu vực vùng ven TP.HCM, đặc biệt các tuyến QL1A, QL13 và vùng ven rất dễ bắt gặp cảnh xe ba gác nối đuôi nhau phóng vun vút trên đường. Phía trên thùng xe luôn chứa các vật liệu dài ngoằng, hai đầu không hề che chắn rất dễ gây nguy hiểm cho người đi đường. Thậm chí, các xe này còn ngang nhiên chạy vào những tuyến đường "cấm lưu thông giờ cao điểm".
|
Ớn lạnh hung thần "thồ" sắt tôn trên đường
Theo ghi nhận của PV vào chiều 12.6, tại đường Phan Văn Trị hướng về Phạm Văn Đồng, PV ghi nhận được cảnh các xe ba gác chở nhiều đồ cồng kềnh sắc nhọn mặc sức tung hoành trên đường. Cụ thể, lúc 17 giờ 30 cùng ngày (12.6), khi lượng xe máy lưu thông đang đông đúc thì chiếc xe ba gác chở đầy sắt vụn vẫn bon bon di chuyển khiến người đi đường phải dạt vào lề "nhường đường".
Trước đó, ngày 20.4, tại nhiều quận/huyện trên địa bàn TP.HCM rất dễ bắt gặp các "hung thần" xe ba gác nhởn nhơ chở vật liệu cồng kềnh trên đường nhưng không thấy lực lượng chức năng xử phạt.
Thời điểm ghi nhận tại khu vực đường Nguyễn Thị Tú và QL1A (Q.Bình Tân), đường Vĩnh Lộc và đường Quách Điêu (H.Bình Chánh)... chúng tôi liên tục ghi lại cảnh các tài xế ba gác chở tôn sắt thép với độ dài cả chục mét vẫn rồ ga phóng giữa đường khiến nhiều phương tiện tham gia cùng chiều hoảng hốt nhường đường.
|
Theo đó, chiều cùng ngày (20.4) trên đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân), một người đàn ông dừng xe ba gác chở cuộn tôn dài khoảng 10 mét, sắc lẹm trên đường để nghe điện thoại. Sau đó, người này rồ ga phóng nhanh về hướng H.Bình Chánh. 5 phút sau, một xe ba gác khác cũng xuất hiện với 2 cuộn tôn dài cả chục mét phóng nhanh về hướng ngã tư Gò Mây. Tại ngã 5 Vĩnh Lộc, chúng tôi cũng ghi nhận hàng loạt cảnh xe ba gác thồ các vật liệu cồng kềnh, sắc lẹm lao vun vút trên đường mặc cho thời điểm có rất đông lượng xe di chuyển trên đường. Trong đó, khung giờ từ 16 giờ đến 17 giờ cùng ngày, PV ghi nhận rất nhiều xe chở theo số lượng lớn thanh thép, ống thép, cuộn tôn chạy ngược xuôi qua đoạn ngã 5 Vĩnh Lộc; các phương tiện đều không hề che chắn hoặc chỉ che chắn sơ sài cho có lệ!.
Tại dọc tuyến đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) nơi có lượng xe lưu thông đông đúc, vẫn thường bắt gặp cảnh xe ba gác chở hàng cồng kềnh sắc nhọn chạy trên đường. Tại giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, nhiều xe ba gác sau khi chất đầy hàng rời khỏi các cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) lại bon bon chạy đi giao cho khách hàng, công trình trên địa bàn bất chấp nguy hiểm cho người đi đường.
|
Lưu thông trên cung đường đông đúc với lượng xe tấp nập, cánh tài xế vấn thản nhiên lượn lách mỗi khi có khoảng trống để nhanh hoàn thành công việc. Khoảng 15 giờ 30 ngày 20.4, người đàn ông điều khiển xe ba gác chạy bon bon trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) với nhiều thanh gỗ dài ngoằng chở trên xe. Chạy được một đoạn ngắn, người này bất ngờ đá xi nhan rẽ trái vào đường Trần Quốc Tuấn khiến nhiều phương tiện phía sau vội vã thắng gấp, người này tiếp tục bóp còi "xin đường" với làn xe ngược chiều rồi băng qua đường. Chiếc này vừa rời đi, một xe ba gác chất đầy các thanh sắt dài hơn 5 mét cũng từ đường Trần Quốc Tuấn phóng ra đường Phan Văn Trị khiến nhiều phương tiện vội vã né tránh.
Ông Lại Thế Tr. (33 tuổi, tạm trú Q.Bình Tân) ngán ngẩm khi nhắc đến các phương tiện xe ba gác chở tôn sắt trên đường. Ông Tr. cho rằng các phương tiện ba gác là cần thiết, tuy nhiên nên có khung giờ lưu thông vào thời điểm vắng người để tránh gây tai nạn thương tâm.
"Chỗ nào có tiệm vật liệu xây dựng thì chỗ đó đầy xe ba gác. Tôn sắt mà để hớ hênh, tôi cũng không dám đi gần hay vượt. Đọc báo tôi cũng nghe nhiều vụ tai nạn do xe này rồi", ông Tr. nói.
|
Chiều 21.4, chúng tôi đến một cửa hàng VLXD trên đường Nguyễn Thị Tú để tìm hiểu về việc vận chuyển các hàng hóa công kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, một tài xế ba gác tại đây cho rằng những vật liệu "đặc thù" nên không thể chở gọn, buộc phải chở theo yêu cầu của khách vì...miếng cơm. Đồng thời việc vận chuyển bằng xe ba gác vừa tiết kiệm chi phí, vừa dễ di chuyển hơn so với dùng những phương tiện thay thế khác.
Xe cấm vẫn ngang nhiên chạy vào đường cấm
Không chỉ phóng bạt mạng trên đường, các xe ba gác thậm chí còn thản nhiên lưu thông vào các tuyến đường có khung giờ cấm. Tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến những khu vực này trở nên mất an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Trước đó, ngày 3.4, Báo Thanh Niên cũng đã phản ánh tình trạng xe ba bánh, bốn bánh vẫn "ngó lơ" biển cấm vào giờ cao điểm. Theo phản ánh từ bạn đọc, người dân sống tại con hẻm F8/36 ấp 6 xã Vĩnh Lộc A, đoạn gần ngã 5 Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh) bức xúc khi nhiều xe ba, bốn bánh cố tình chạy vào con hẻm này bất chấp biển cấm giờ cao điểm.
|
Tuyến đường này cấm xe ba, bốn bánh lưu thông vào 3 khung giờ: từ 6 - 9 giờ, từ 11 - 13 giờ và từ 16 - 19 giờ. Để giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn cho các học sinh ra vào con hẻm này, chính quyền địa phương đã gắn biển cấm trên. Nhưng mặc dù có biển cấm, nhiều tài xế vẫn ngó lơ!
Liên quan đến con hẻm F8/36, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, đơn vị cũng nhận được phản ánh từ người dân tình trạng xe ba bánh, bốn bánh ngó lơ biển cẩm gây nguy hiểm cho các học sinh học tập tại đây. Nội dung phản ánh cũng tương tự như những gì báo Thanh Niên phản ánh vào ngày 3.4.
Vào ngày 29.3 cơ quan này cũng đã có gửi văn bản đến Công an TP.HCM, UBND H.Bình Chánh, Thanh tra Sở GTVT và Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ về việc đề nghị xử lý dứt điểm các Ioại phương tiện lưu thông không đúng quy định trên tuyến hẻm F8/36, xã Vĩnh Lộc A.
|
Tuy nhiên, đến ngày 20.4, PV tiếp tục đến ghi nhận việc xe ba, bốn bánh "ngó lơ" biển cấm tại con hẻm này. Kết quả...vẫn không thay đổi! Các phương tiện 3 bánh, bốn bánh vẫn thản nhiên chạy vào con hẻm này như thường lệ. Cũng trong ngày 20.4, PV còn ghi nhận tình trạng xe ba bánh, bốn bánh "ngó lơ" biển cấm tại các khung giờ cao điểm trên đường Quách Điêu, đoạn giao với đường Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh). Cụ thể, tuyến đường Quách Điêu cấm các phương tiện 3 bánh, 4 bánh lưu thông vào 3 khung giờ: 6 - 8 giờ; 11 - 13 giờ và 16 giờ 30 - 18 giờ.
Cũng như con hẻm F8/36, các xe ba bánh, 4 bánh vẫn "ngó lơ" biển cấm mà thản nhiên ra vào trong giờ cao điểm...như đi chợ. Người dân cho biết, đường Quách Điêu vốn đã rất đông lượng người tham gia giao thông và càng đông hơn tại khung giờ cao điểm. Thế nhưng mỗi ngày các xe cấm lại cố tình chạy vào giờ cấm càng khiến khu vực ùn tắc kéo dài.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm từ xe ba gác
Thời gian qua tại TP.HCM, liên tục xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe ba gác chở đồ cồng kềnh. Gần đây nhất vào trưa 9.6, anh D.V.K. (20 tuổi, tài xế giao thức ăn) điều khiển xe máy BS 59G1 - 964.67 chạy trên đường Cây Trâm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì xảy ra va chạm với một xe ba gác chở tôn chạy trên đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp). Anh K. chỉ kịp né và té nhào xuống đường, vụ tai nạn khiến anh K. nhập viện cấp cứu trong tình trạng tôn cứa vào chân, mất nhiều máu.
Trước đó ngày 18.4, bệnh viện Xuyên Á (TP.HCM) tiếp nhận trường hợp của bệnh nhân (BN) V.K (31 tuổi, ngụ Long An) bị 11 thanh sắt đâm xuyên chân trái do va chạm với xe ba gác khi đang lưu thông trên đường. Anh V.K rất may mắn được người dân giúp đỡ sơ cứu hợp lý bằng cách cắt và giữ nguyên các thanh sắt xuyên chân, cố định tạm. Đội ngũ bác sĩ đánh giá trường hợp của anh K. là tai nạn rất nguy hiểm và chờ sức khoẻ anh K. ổn định sẽ tiến hành mổ kết hợp xương.
Một vụ tai nạn khác xảy ra vào ngày 28.3, một nam tài xế điều khiển xe ba gác lưu thông trên đường Tô Ngọc Vân (P.Thạnh Xuân, Q.12). Tại đây, xe này xảy ra va chạm với xe gắn máy do anh Hòa và anh Lê Phú Vinh (20 tuổi, cùng quê Phú Yên) điều khiển. Xe ba gác này tiếp tục va chạm vào một xe khác rồi rời khỏi hiện trường. Vụ việc khiến 2 nạn nhân được đưa đi cấp cứu, tuy nhiên anh Vinh không qua khỏi.
Chiều ngày 1.10.2020, đôi nam nữ điều khiển xe máy BS 54Y6 - 0933 lưu thông trên đường Trần Văn Chẩm (xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM) thì xảy ra va chạm với một xe ba gác chở tôn, sắt lưu thông theo chiều ngược lại.
Vụ tai nạn làm thiếu nữ tên Y. (14 tuổi, ngụ H.Củ Chi) tử vong tại chỗ, thi thể nạn nhân dính chặt vào hông xe ba gác. Người nam đi cùng bị thương rất nặng, được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM, đơn vị này đang triển khai khai cao điểm kiểm tra, xử lý xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế…. Đợt cao điểm này diễn từ từ ngày 1.3 đến hết ngày 14.6.
Theo số liệu thống kê từ PC08, thực hiện cao điểm nêu trên từ ngày 15.3 cho đến nay, CSGT đã dừng kiểm tra 19.343 xe cũ nát, xe tự chế, mù mờ…. trong đó phát hiện 8.641 trường hợp vi phạm (8.605 xe máy, 36 xe ba bánh). Trong thời gian tới, PC08 tập trung kiểm tra, xử lý xe cũ nát, xe tự chế. Đặc biệt, CSGT sẽ xử lý nghiêm các hành vi: giấy phép lái xe, đăng ký xe; không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đèn, kèn, thắng hoặc có nhưng không có tác dụng; vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ, chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
|
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ được dừng các xe để kiểm tra như: xe máy, xe ba bánh, xe cũ nát, xe tự chế. Sau khi dừng xe, CSGT kiểm tra các loại giấy tờ tẩy xóa, sửa chữa, giả mạo... Trong quá trình kiểm tra, CSGT nếu phát hiện các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: chở chất cháy nổ, hàng nguy hiểm, hàng gian, hàng giả… thì sẽ phối hợp cới các cơ quan liên quan để xử lý.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ tại TP.HCM mà tại các tỉnh lân cận đều ưu tiên xe ba gác làm phương tiện thuê mướn vận tải các vật liệu với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, rất nhiều xe ba gác hiện nay đều sử dụng giấy tờ kiểu "mẹ bồng con"?! (tiếng lóng là MBC - PV). Đây là loại giấy tờ chỉ có một giấy đăng ký xe ban đầu là thật, sau đó giấy đăng ký này được đưa đi làm giả thêm một vài bộ tương tự rồi bán ra thị trường.
Ông Trần Văn Th. (37 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết ông cũng như các đồng nghiệp chạy xe ba gác hiện nay rất ít người có bằng A3. Theo lời giải thích của ông Th., xe ba gác có giấy tờ gốc có giá dao động khoảng 100 triệu, được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc về Việt Nam.
Thế nhưng hiện nay, chỉ cần từ 20 - 30 triệu đồng, nhiều người đã có thể sở hữu một chiếc xe ba gác với kiểu dáng tương tự nhưng giấy tờ...mẹ bồng con. "Có những nơi họ chỉ cần lốc máy rồi về tự chế, làm lại thùng, bánh xe theo nhu cầu làm việc. Xe này chạy cẩn thận thì vài năm thu lại vốn nên tôi cũng mua, chạy cũng được nhiều năm", ông Th. nói thêm.
Trần Tiến
|
Bình luận (0)