Theo ông Dung, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đưa nội dung nâng tuổi nghỉ hưu vào dự án bộ luật Lao động (sửa đổi) để trình Quốc hội vào năm 2019. Trong đó, trước mắt sẽ nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cao hơn, phù hợp với một số nhóm phụ nữ theo lộ trình.
Cụ thể, nếu luật được thông qua, bước 1 sẽ kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nữ đến 60 đối với các chức danh vụ trưởng và tương đương ở cấp T.Ư, ủy viên thường vụ, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh và tương đương. Bước 2 là nâng tuổi nghỉ hưu đối với các chức danh ở cấp vụ phó vào năm 2025. Sau đó, mới tính tiếp đến các đối tượng khác.
Trong khi chưa tăng tuổi nghỉ hưu nhưng để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, ông Dung cho hay Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cách tính lương hưu theo quy định tại điều 56 và 74 luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm hài hòa khoảng cách về giới trong thụ hưởng chính sách BHXH. “Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này, có thể theo hướng thông qua một nghị quyết sửa đổi cách tính lương hưu cho nữ giới. Nếu không làm sớm, tất cả phụ nữ về hưu đều thiệt thòi”, ông Dung nói.
Trước đó, đầu năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH đã 2 lần đưa ra lấy ý kiến các phương án tăng tuổi nghỉ hưu đều nhận được ý kiến trái chiều. Lần thứ nhất, Bộ đề xuất 2 phương án tuổi hưu là giữ nguyên như hiện hành (nam 60 và nữ 55) hoặc tăng tuổi của nam lên 62, nữ 60 theo lộ trình mỗi năm 3 tháng để không gây xáo trộn mạnh đến bố trí và sử dụng lao động. Lần thứ hai, sau khi tiếp thu ý kiến, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉnh sửa tăng tuổi nghỉ hưu với phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành và phương án 2 là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, bắt đầu từ ngày 1.1.2021. Mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ của Bộ LĐ-TB-XH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng luật Lao động đã nêu rõ, người có trình độ chuyên môn quản lý được kéo dài công tác không quá 5 năm. Vì vậy nếu sửa luật thì phải sửa tổng thể, không chỉ nâng tuổi nghỉ hưu cho khu vực chuyên môn kỹ thuật và quản lý mà cả nhóm lao động khác cũng có thể nâng lên.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, góp ý Bộ LĐ-TB-XH khi sửa đổi luật, cần mở rộng thêm các đối tượng đến cấp trưởng phòng ở T.Ư và giám đốc sở địa phương.
Bình luận (0)