Chưa thống nhất xử lý công trình trái phép ở Sóc Sơn

09/05/2013 03:10 GMT+7

Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thu hồi các khu đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng trái pháp luật tại H.Sóc Sơn (TP.Hà Nội) nhưng địa phương lại đề xuất nên cho “hợp thức hóa”.

Chưa thống nhất xử lý công trình trái phép ở Sóc Sơn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2006 thì các công trình của họa sĩ Thành Chương phải di dời ra ngoài rừng đặc dụng - Ảnh: T.S

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2264 của Văn phòng Chính phủ ngày 22.5.2006 về xử lý sau thanh tra ở H.Sóc Sơn thì các trường hợp mua bán, chuyển nhượng và xây dựng trái pháp luật trên đất rừng phải được xử lý theo nguyên tắc “thu hồi toàn bộ các diện tích mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật”.

Thế nhưng, cuối năm 2006, UBND H.Sóc Sơn đã có văn bản báo cáo UBND TP.Hà Nội về phương án xử lý. Theo đó, đối với công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, UBND huyện đề nghị các công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ thì xử lý vượt hạn mức (200 m2/hộ), áp dụng theo Quyết định số 178/QĐ-CP/2001 về chính sách cho người trồng rừng, thu hồi phần xây dựng quá hạn mức, buộc tháo dỡ công trình và trồng rừng bổ sung đã mất. Đối với các công trình xây dựng trong rừng đặc dụng thì phải di chuyển ra bên ngoài. Cùng với phương án này, UBND H.Sóc Sơn cũng liệt kê ra nhiều trường hợp phải tháo dỡ công trình và trồng rừng bổ sung.

Tuy nhiên, cơ quan này còn cho rằng “đối với các công trình xây dựng lớn thì xử phạt hành chính, yêu cầu lập dự án và làm thủ tục thuê đất theo quy định”. Những công trình xây dựng trái phép lớn này được UBND H.Sóc Sơn chỉ rõ gồm các trường hợp: Ông Nguyễn Thành Chương có hộ khẩu ở Hà Nội nhận chuyển nhượng đất với diện tích 8.234 m2 và đã xây dựng các công trình trên diện tích hơn 1.000 m2 để trưng bày các di vật văn hóa cổ. Đây là địa điểm đã đón nhiều khách du lịch thập phương có thể tạo nên điểm tham quan du lịch, do vậy chỉ nên xử phạt hành chính và hướng dẫn lập dự án cho thuê đất.

 Theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường năm 2013, mặc dù nhiều hộ gia đình xây dựng trên diện tích lớn nhưng đến nay UBND các xã có rừng thuộc H.Sóc Sơn chưa xử lý được bất cứ trường hợp nào.

Bất chấp

Trao đổi với PV Thanh Niên về việc “Tại sao những công trình xây dựng trái phép quy mô lớn như Việt phủ Thành Chương tồn tại cả chục năm qua mà chính quyền địa phương không ngăn chặn, xử lý dứt điểm được? Trách nhiệm của lãnh đạo H.Sóc Sơn ở đây như thế nào?”, ông Nguyễn Viết Thanh - Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn cho biết lãnh đạo huyện liên tục chỉ đạo ngăn chặn, lập biên bản nhưng ông Thành Chương vẫn tiến hành xây dựng. Đến nay chính quyền địa phương chưa lần nào tiến hành cưỡng chế việc xây dựng trái pháp luật của cả trăm công trình sai phép trên địa bàn. “Việc xử lý vấn đề cũng đã trải qua rất nhiều đời lãnh đạo nên đến giờ nói trách nhiệm thuộc về ai thì rất khó”, ông Thanh giải thích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nguyệt - Chủ tịch UBND H.Sóc Sơn - phân bua rằng khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, có giao cho Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công an, UBND TP.Hà Nội, “địa phương chỉ đề xuất phương án còn việc xử lý là thẩm quyền của các cơ quan này, còn huyện không xử lý được”.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết vẫn chưa thống nhất biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm về quản lý sử dụng đất ở Sóc Sơn theo kết luận Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.