Chưa xử phạt xe máy điện không có biển số

04/06/2014 16:15 GMT+7

(TNO) Thông tư 15/2014 của Bộ Công an về hướng dẫn thi hành đăng ký xe, bao gồm cả xe máy điện, có hiệu lực từ ngày 1.6.2014, nhưng tại nhiều địa phương, vẫn có nhiều xe máy điện chưa đăng ký biển kiểm soát lưu thông trên đường.

(TNO) Thông tư 15/2014 của Bộ Công an về hướng dẫn thi hành đăng ký xe, bao gồm cả xe máy điện, có hiệu lực từ ngày 1.6.2014, nhưng tại nhiều địa phương, vẫn có nhiều xe máy điện chưa đăng ký biển kiểm soát (BKS) lưu thông trên đường.

Xe máy điện không BKS vẫn lưu thông trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Xe máy điện không BKS lưu thông trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Qua khảo sát của PV Thanh Niên Online, trong những ngày đầu Thông tư 15 có hiệu lực, lượng xe máy điện không BKS vẫn xuất hiện rất nhiều trên các tuyến phố ở Hà Nội. Thậm chí, những người điều khiển xe máy điện khi tham gia giao thông không tỏ vẻ gì lấy làm lo lắng khi thấy lực lượng chức năng.

Cụ thể, tại nút giao thông Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Giang Văn Minh - Đội Cấn, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, Trần Phú - Điện Biên, hồ Hoàn Kiếm… dù có sự hiện diện của các tổ công tác 141 Công an TP.Hà Nội, nhưng nhiều nam nữ thanh niên vẫn hồn nhiên đầu không đội mũ bảo hiểm (MBH), điều khiển xe máy điện lướt qua.

Tình trạng người điều khiển xe máy điện không BKS vẫn lưu thông bình thường trước mặt các tổ CSGT làm nhiệm vụ tại các chốt. Tiếp xúc với PV, nhiều chủ xe máy điện cho hay sẽ chỉ tới trụ sở công an làm thủ tục đăng ký BKS, khi thấy có nhiều người bị xử phạt (!?).

Tương tự, theo ghi nhận của Thanh Niên Online trong những ngày qua, trên nhiều tuyến đường tại các TP lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…, những người đi xe máy điện không BKS vẫn lưu thông bình thường.  

“Chờ hướng dẫn từ cấp trên”

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên Online vì sao lực lượng chức năng chưa xử phạt những người đi xe máy điện không BKS theo quy định, trung tá Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng Đội CSGT số 3, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.Hà Nội, phân trần: “Thời điểm Thông tư 15 có hiệu lực và một ngày trước đó lại là dịp cuối tuần, điểm đăng ký xe tại công an các quận, huyện, thị xã của thủ đô Hà Nội đều nghỉ làm việc. Theo tôi được biết thì hiện tại trên địa bàn Hà Nội, số lượng xe máy điện là rất lớn. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân tham gia lưu thông có thêm thời gian thực hiện Thông tư, các tổ công tác mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở phải sớm tới các điểm đăng ký”. 

Xe máy điện không BKS vẫn chạy trên đường ở TP.HCM - Ảnh: M.Nam
Xe máy điện không BKS vẫn chạy trên đường ở TP.HCM - Ảnh: M.Nam

Cũng theo trung tá Đạo, hiện các tổ công tác vẫn tuần tra xử lý các trường hợp xe máy điện vi phạm luật giao thông, như không đội MBH, vượt đèn đỏ, đi sai làn, chở quá số người quy định… “Thời gian bắt đầu xử lý xe máy điện không đăng ký vẫn chưa có, hiện chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ cấp trên”, trung tá Đạo cho hay.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian ấn định xử phạt người điều khiển xe máy điện không đăng ký BKS, thì đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng PC67, Công an TP.Hà Nội, cho biết đang bàn bạc thống nhất để có phương án cụ thể và hiện chưa có thời gian cụ thể. Thời gian có thể là 5 ngày, 7 ngày hoặc 2 tuần.

Cũng theo đại tá Thắng, Thông tư 15 quy định xe máy điện đã sử dụng trước ngày 1.7.2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không bảo đảm theo quy định, nếu chủ xe có cam kết, có xác nhận của chính quyền địa phương, thì được giải quyết đăng ký, cấp biển số xe. Với những trường hợp mua sau thời điểm 1.7.2009 bắt buộc phải có giấy tờ hợp lệ theo quy định mới được cơ quan công an cấp đăng ký.

Còn đại tá Huỳnh Đấu Tranh, Trưởng PC67, Công an TP.Cần Thơ, cho biết: “Trong tuần lễ đầu ra quân thực hiện việc đăng ký bắt buộc đối với xe máy điện theo Thông tư 15, lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở để người dân chấp hành và không được lưu thông trên đường nếu chưa đăng ký BKS. Sau thời gian trên, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt như các loại xe máy khác. Nếu không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị tạm giữ phương tiện và đề nghị tịch thu theo quy định hiện hành”.

Trong khi đó, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng C67 (Bộ Công an), cho hay luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ 1.7.2009, quy định xe máy điện là xe cơ giới và khi tham gia giao thông phải đăng ký, gắn biển số. Tiếp đó đến Thông tư 36/2010/TT-BCA ban hành ngày 12.10.2010 và nay là Thông tư 15/2014/TT-BCA ban hành ngày 4.4.2014. Theo đại tá Tuấn, Thông tư 15 tiếp tục kế thừa quy định về việc đăng ký, cấp biển số xe máy điện của Thông tư 36 đã ban hành. Và như vậy việc xe máy điện phải đăng ký, gắn biển số khi tham gia giao thông là được thực hiện từ ngày 1.7.2009 cho đến nay, chứ không phải đến ngày 1.6.2014 mới áp dụng thực hiện.

Đà Nẵng: Đơn giản hóa thủ tục đăng ký xe

Trao đổi với Thanh Niên Online, đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng PC67, Công an TP.Đà Nẵng, cho biết chưa áp dụng xử phạt xe máy điện không có BKS theo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe.

Bởi lẽ quy định khi đến làm thủ tục đăng ký xe máy điện, người dân phải có giấy khai đăng ký xe, giấy tờ chủ xe, chứng từ nguồn gốc của xe, hóa đơn bán xe, chứng từ nộp lệ phí trước bạ là rất khó đáp ứng, vì trước đây khi mua loại xe này người dân chỉ nghĩ như mua một chiếc xe đạp mà không cần những loại giấy tờ khác. Do đó, PC67 sẽ tham mưu UBND TP.Đà Nẵng cũng như báo cáo Bộ Công an có biện pháp đơn giản hóa thủ tục đăng ký cho người dân.

“Quan điểm của TP.Đà Nẵng là sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện để người dân được đăng ký BKS cho xe máy điện thì thành phố sẽ tuyên truyền để người dân biết chủ trương và thời gian chuẩn bị, có vậy mới đạt được sự đồng tình cao trong người dân khi bắt đầu triển khai xử phạt, việc này đòi hỏi phải có lộ trình”, đại tá Đến nói.

Nguyễn Tú

Hà An - Mai Trâm

>> Ngày đầu xử phạt xe máy điện không đăng ký
>> Bắt đầu xử phạt xe máy điện không có biển số
>> Đi xe máy điện không đăng ký bị phạt như mô tô

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.