'Chung rượu đào' của Bác Hồ

30/04/2008 00:42 GMT+7

'Thiên tài của Hồ Chí Minh là nắm bắt rất nhanh quy luật của lịch sử và biết vận dụng nó đúng nơi, đúng lúc, đúng mức, đúng cách để làm ra lịch sử...'

Với một đời người, một phần ba thế kỷ là đủ để lập thân (tam thập nhi lập... Luận Ngữ, Thiên Vi Chính). Với sự nghiệp một dân tộc, một phần ba thế kỷ đủ để làm nên những kỳ tích. Thì chẳng thế là gì: chỉ chưa bằng một nửa thời gian ấy, từ 1930 đến 1945, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đầu tiên thành công ở châu Á.
Và cũng bằng gần một phần ba thế kỷ ấy, tính từ ngày 23.9.1945, tiếng súng rền vang ở Nam Bộ, khởi đầu cho cuộc kháng chiến cho đến ngày non sông quy vào một mối vào 30.4.1975, dân tộc này đã tiến hành 2 cuộc kháng chiến, đánh sụp chủ nghĩa thực dân cũ và rồi chủ nghĩa thực dân mới xâm lược, lập nên kỳ tích trong lịch sử thế giới.
Phạm Văn Đồng có một nhận định rất sâu sắc về Bác Hồ: "Thiên tài của Hồ Chí Minh là nắm bắt rất nhanh quy luật của lịch sử và biết vận dụng nó đúng nơi, đúng lúc, đúng mức, đúng cách để làm ra lịch sử... Với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, Hồ Chí Minh thường đánh giá đúng đắn những thời điểm bước ngoặt".
Có những nhận định, những dự báo của Hồ Chí Minh có dáng dấp như những lời tiên tri, có người xem đó như những bí ẩn của lịch sử. Chỉ xin lẩy ra đây hai ví dụ:
Chẳng hạn, câu "45 sự nghiệp hoàn thành" trong diễn ca "Lịch sử Việt Nam" làm cuối năm 1941. Cùng với câu ấy là sự cả quyết rằng "1945. Việt Nam Độc Lập", cột mốc kết thúc danh mục "Những năm quan trọng" kèm theo diễn ca đó.
Hoặc một câu khác của Bác vào tháng 12.1967, trong buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Người nói: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua... Nó chỉ chịu thua sau khi thua trên vùng trời Hà Nội", nghĩa là 5 năm trước trận "Điện Biên Phủ trên không" dẫn đến Hội nghị Paris 1973, để 2 năm sau là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!
Phải chăng hiện thực đã giải mã những "bí ẩn lịch sử" ấy trong những dự báo, những tiên đoán của bộ óc vĩ nhân? Còn có rất nhiều những chuyện như vậy về Bác Hồ. Một trong những tiên tri thú vị phảng phất như một lời hẹn ước của Bác Hồ với nhân dân của mình là mấy câu thơ chúc Tết năm Bính Tuất, 1946, khi mà cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vừa diễn ra được hơn ba tháng. Bài thơ đó như sau:
Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
Tuy rằng cái "Tết sau" ấy cần phải có một quãng thời gian 30 năm, song "rượu đào" mà Bác Hồ chuẩn bị cho ngày "sum vầy" đã được chưng cất, gìn giữ trong lòng nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước suốt bấy nhiêu năm.
Qua biết bao những biến động bi hùng của lịch sử, ngày nay ta càng nghiệm ra cái tầm cao của trí tuệ Hồ Chí Minh, nhịp đập mãnh liệt trái tim lớn của một con người "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi". Đây là câu trả lời các nhà báo nước ngoài tại Hà Nội ngày 21.1.1946 với tư cách là Chủ tịch nước.
Cha ông ta đã ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên - Mông hùng mạnh - một đế quốc mà vó ngựa xâm lược của chúng từng xéo nát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn từ Á sang u. Nên nhớ, buổi ấy ông cha ta phải "đơn thương độc mã", không hề có một sự "hậu thuẫn quốc tế" nào để chống lại một đế chế từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải chưa từng có trong lịch sử! Lãnh đạo cánh quân chủ lực đánh tan tác quân giặc, rước vua về kinh sư, Thượng tướng Trần Quang Khải, sau khi nói lên chiến công đã thể hiện ý chí "Thái bình tu trí lực. Vạn cổ thử giang san" (Thái bình nên gắng sức. Non nước ấy ngàn thu). Đánh giặc là để có thái bình mà xây dựng đất nước!
Và Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa hạ, tháng tư (tức là chỉ hơn nửa tháng sau lễ bái yết Chiêu Lăng - TL), Thượng hoàng ngự ở hành lang Thị vệ (vì cung điện bấy giờ đã bị giặc đốt hết), đại xá thiên hạ. Những nơi bị binh lửa cướp phá thì miễn toàn bộ phần tô, dịch, các nơi khác thì miễn giảm theo mức độ khác nhau". Lại chép "trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc!". Khó có một ứng xử khoan dung của người thắng trận với ý nghĩa tiêu biểu và sâu sắc đến thế mà sử sách đã ghi lại. Ngay với kẻ thù, khi chúng đã thất trận, cũng nhận được sự khoan dung đó. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê Ngọc dâng lên thượng hoàng. Thượng hoàng sai dẫn lên thuyền ngự, cho cùng ngồi, nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ". Sử cũng chép: "Vua trông thấy thủ cấp của Toa Đô, thương hại nói "Người làm tôi phải như thế này".
"Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy" (lời Trần Hưng Đạo). Cũng trên tinh thần khoan thư sức dân đó, nhằm tránh cho dân phải gánh cái gánh nặng thuế khóa để cung phụng cho bộ máy quan tước của triều đình, sử cũng đã chép Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi biết được Anh Tông từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều "đã sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng "Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế", từ đó lại càng thận trọng khi ban chức tước!".
Phải đánh giặc, vì thế chẳng đặng đừng, hơn nữa, đó chính là chuyện "nhân nghĩa", như xác định của Nguyễn Trãi: "Phàm mưu việc lớn, phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu" (Quân trung từ mệnh tập). Vì vậy, mở đầu Cáo bình Ngô, ông viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". "Điếu phạt" tức là điếu dân phạt tội, nghĩa là thăm dân, đánh kẻ có tội. Ở thế kỷ XV, một quan điểm về dân như vậy quả là cao cả và cũng rất hiện đại. Cho nên, đánh giặc là vì dân, mà đánh thắng giặc rồi thì phải dốc sức lo cho dân, để sao cho "khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận sầu than". Nguyễn Trãi tâu với vua như vậy khi lĩnh mệnh soạn ra "Thạch khánh đồ" và "Giao tự đại lễ": "Hòa bình là gốc của nhạc. Thanh âm là văn của nhạc... Nguyện xin bệ hạ yêu thương, nuôi dưỡng dân chúng để sao cho khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận sầu than đó chính là cái gốc của nhạc vậy". Tinh thần khoan dung đó chính là sự kết nối của lịch sử, kế thừa truyền thống của ông cha. Khoan dung là một nét tinh hoa của truyền thống Việt. Đó là cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo, khởi đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập từ năm 907 "chính sự cốt chuộng sự khoan dung, giản dị" khiến cho "nhân dân đều được yên vui".
Nhân dân đều được yên vui, đó là mục tiêu cao nhất mà vì mục tiêu đó, bao thế hệ Việt Nam trong lịch sử đã quật cường chiến đấu, như Bác Hồ từng chỉ ra từ những ngày đầu khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước: "Nếu nước độc lập mà dân không hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".
Chiến tranh cũng đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ! "Chung rượu đào" được chưng cất trên tinh thần khoan dung và hòa hợp của truyền thống dân tộc phải là chất men say thúc đẩy sự nghiệp chấn hưng đất nước để sánh vai cùng với thế giới.
Kỷ niệm 30.4 năm nay diễn ra sau ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ngày được Nhà nước ta quyết định là ngày Quốc giỗ, khẳng định thêm một bước ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước là truyền thống tốt đẹp nhất của nhân dân ta. Cũng là năm Đại lễ Phật đản thế giới được tổ chức tại Hà Nội, một dịp hiếm có để nhân dân ta cầu chúc cho "quốc thái, dân an", không còn thù hận. "Chung rượu đào" của Bác Hồ cùng uống với nhân dân cả nước chính là kế tục truyền thống khoan dung vốn là tinh thần của Cương lĩnh dựng nước mở đầu thời kỳ tự chủ những năm đầu thế kỷ thứ X, truyền thống ấy được hiện đại hóa trong thời đại của nền văn minh trí tuệ thế kỷ XXI này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.