Năm nào làng Lei Drộp, xã Đăk Năng, TP.Kon Tum, người Ja Rai cũng phạt trai gái quan hệ bất chính. Họ bảo nhau, đã "bắt" được chồng, có vợ rồi thì dứt khoát không được lấy gái, lấy trai nào khác.
Y Thuyên, cô gái bị chồng là Bin Ngân phụ bạc, đã làm lễ phạt vạ - Ảnh: Phạm Anh |
Đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở Kon Tum quan niệm, nếu làng nào xảy ra chuyện xấu mà chưa làm lễ phạt vạ thì thần linh trừng phạt làng đó như: mất mùa rẫy, lúa; cả làng bị bệnh tật, chết và đói rét quanh năm. Chính vì vậy, mỗi dân tộc ở đây đều có cách xử phạt người vi phạm riêng của mình, trong đó còn nhiều cách xử phạt ngày nay vẫn duy trì.
Phạt heo, tiền vì tội bỏ vợ
Về làng Plei Drộp những ngày cuối năm Ất Mùi, dường như chuyện phạt vạ một gian phu đã được "bắt làm chồng", có con nhưng đi theo gái làng khác cũng xôn xao không kém gì chuyện sắm tết năm nay.
Già làng A Yêm bảo (80 tuổi), phải phạt thôi, bởi thằng Bin Ngân (33 tuổi) đã cưới con Y Thuyên (34 tuổi) hơn 10 năm và có đứa con là Bin Nghị (9 tuổi), vậy mà vừa rồi thằng Ngân còn theo con Y Blưm ở làng Plei Rơ Wăt, bỏ vợ con mình.
Già làng A Yêm kể, cách đây gần hai tháng, thằng Bin Ngân bỏ đi đâu biền biệt, không về ngủ giường nhà con Y Thuyên nữa. Buồn và nhớ chồng, Y Thuyên đi tìm thì thấy nó sống như vợ chồng với con Y Blưm ở làng Plei Rơ Wắt.
"Con Thuyên tới nhà tao và nhà già làng A Jun trình bày, nhờ làng phạt vạ thằng chồng giường nhà không ngủ mà đi ngủ giường khác, "gửi cái nước" cho con gái khác. Những đứa phạm lỗi, làm chuyện xấu phải bị phạt vạ theo tục lệ thôi", gia làng A Yêm nói.
Già làng A Yêm (bìa trái) và già làng A Jun kể lại chuyện phạt vạ - Ảnh: Phạm Anh
|
Để phạt vạ Bin Ngân, hội đồng già làng của làng Plei Drộp tìm đến già làng Plei Rơ Wắt rồi nói rõ lý do. Thấy có lý, những già làng Plei Wắt mới bắt con Y Blưm và thằng Bin Ngân trở về làng Plei Drộp để chịu vạ.
Thế rồi chọn ngày đẹp trời, hai gia đình cùng với già làng ở hai làng Plei Drộp, Plei Rơ Wắt, thôn trưởng và công an hai thôn này cùng về nhà của Y Thuyên để dự lễ phạt vạ.
Theo luật làng, Bin Ngân nộp 5 triệu đồng, riêng Y Blưm phải nộp 5 triệu đồng và con heo 50kg để xin lỗi con Y Thuyên, con heo phạt vạ phải xẻ thịt ngay tại nhà Y Thuyên. "Sau lễ phạt vạ, nếu đứa nào còn phạm lỗi, làng sẽ phạt vạ tiếp", già A Yêm nói.
Không nộp vạ thì bắt làm nô lệ
Già làng Plei Drộp là A Jun bảo, năm nào làng cũng phạt vạ trai gái kiểu như trên. Nếu không phạt vạ, không giữ được cái phong tục thì trai gái bây giờ hư lắm. Rít một hơi thuốc, đưa bàn tay vuốt mái tóc đã bạc trắng trước tuổi, già A Jun kể, ngày xưa người Ja Rai phạt vạ nặng lắm chứ không phải như bây giờ.
Ấy là chỉ mấy chục năm về trước thôi, hai đứa đã có chồng, có vợ rồi mà còn lấy nhau, làng sẽ phạt con trai con bò, thậm chí cả con trâu trắng, rượu ghè mấy hủ để cho cả làng tập trung tại nhà rông ăn uống. Sau lễ phạt vạ, có nhà sạt nghiệp, "nhưng làng không mang tiếng xấu, thần linh không quở phạt", A Yun nói.
Đó là với những người đã có gia đình, còn với nam nữ thanh niên, nếu con gái có chửa trước mà con trai chịu làm chồng thì căn cứ vào ai sai sẽ phạt người đó. Con trai sai thì phạt vạ bằng tiền, nhưng đứa con gái không chịu ưng thằng con trai thì làng không phạt con gái.
"Người Ja Rai phạt vạ nặng nhất là đàn bà vừa chết chồng nhưng chưa cúng bỏ mả đã đi lấy trai. Làng phạt con trâu, bò, heo, dê, gà và rượu ghè (rượu cần - PV), người bị phạt phải đãi cả làng ăn uống ở nhà rông", già A Yun cho biết. "Nếu không chịu phạt vạ thì sao?", tôi hỏi. Già A Yun nói chắc nịch: Xưa, làng phạt vạ ai cũng chịu hết. Nếu không, kẻ bị phạt vạ phải bị thu hết tài sản và làm nô lệ cho người mình có lỗi.
Nhà rông của người Ja Rai ở xã Đăk Năng, TP.Kon Tum- Ảnh: Phạm Anh
|
Trai làng lờn phạt vạ?
Tìm đến nhà Y Thuyên ở làng Plei Drộp, trò chuyện mới hay, sau làng phạt vạ, Bin Ngân vẫn theo người đàn bà khác là Y Blưm chứ không về nhà nữa. Y Thuyên bảo: "Em đã nhờ già làng phạt vạ tiếp tục nhưng chưa các già chưa làm", Y Thuyên nói.
Hỏi chuyện này, già làng A Yun nói buồn, bây giờ có nhiều đứa không chịu nộp phạt vạ cho làng lắm. Các già làng cũng buồn lắm nhưng không biết phải làm sao. Ngày trước, ai không nộp phạt thì có khi bị đuổi ra khỏi làng nhưng nay xử như vậy, người làng bảo các già làng xử phạt thiếu tình cảm.
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Năng, anh Phan Thi cho biết, những năm trước nếu như trường hợp của Bin Ngân và Y Blưm, sẽ bị phạt gấp 2-3 lần, rồi cho phép ở với nhau, nhưng ai ngoại tình lúc ra hỏi nhà đều là tay trắng, không được phép mang theo tài sản gì.
Người Ja Rai ở xã Đăk Năng- Ảnh: Phạm Anh
|
Từng sống và chứng kiến nhiều chuyện hay, dở từ các tục lệ của người Ja Rai, anh Thi bảo, xưa luật làng phạt vạ nghiêm lắm. Những ai trộm một con gà, làng phạt nặng bằng cả mấy chục con gà khác, giá trị như con heo, đó là chưa kể rượu ghè mấy hủ nữa. Chính vì ngày trước phạt vạ rất nghiêm nên nên làng xưa không có trộm cắp bao giờ. Ngày nay chuyện làng phạt vạ kẻ trộm cắp không còn nữa, nên các làng đã xảy ra nhiều tình trạng trộm cắp. Chưa kể, những tội gian dâm bị làng phạt nặng, có gia đình sau phạt vạ đã trở nên mạt vận. Anh Thi kể, đã chứng kiến nhiều chuyện trai gái yêu nhau lỡ có thai trước, làng phạt cả con heo "hết lớn", con dê, con gà, ghè rượu và tấm áo choàng cho người phụ nữ để cõng con sau này. Theo đó, các con vật thì giết thịt và đãi cả làng ăn uống tại nhà rông. Người đứng ra cúng chính là già làng và diễn ra vào buổi chiều.
Sau khi cúng xong, già làng lấy máu dê cho vào cái mủng nhỏ, bên trong lót lá chuối. Đôi nam nữ mang mủng máu dê đi đến khắp làng, lấy lá ngal nhúng vào máu dê xát vào từng chân cầu thang từng nhà để xin lỗi, đại khái: Chúng tôi làm bậy, nên đã cúng xin yàng tha tội, xin mọi người tha tội và đừng mắc tội cho chúng tôi.
Thế nhưng theo anh Thi, đến nay phạt vạ này có biến đổi, đặc biệt nếu lỡ có chửa trước mà đôi nam nữ này cưới nhau thì làng không phạt vạ nữa.
Bình luận (0)