Chuyện nghề báo và việc bảo vệ nhà báo khi bị bôi nhọ

22/12/2005 17:01 GMT+7

Có lần phát biểu ở Hội nghị tổng kết công tác báo chí do Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Bình chủ trì, tôi phát biểu: "Trong những nghề khổ nhất thì chắc có nghề báo. Ra một số báo, vắt tim, óc, phóng viên chạy ngược chạy xuôi lấy tin; tòa soạn chờ tin bài; phòng kỹ thuật thức chờ tin giờ chót... Khi báo phát hành, hàng trăm nghìn độc giả đọc, theo dõi, có ý kiến... Người làm báo trình diện mình hằng ngày trước dư luận công chúng".

Khổ, nhưng chúng ta đam mê nghề nghiệp, người viết báo, làm báo luôn muốn truyền đến cho bạn đọc những gì sốt dẻo nhất, tâm huyết nhất, ưng ý nhất... Nhưng khi tờ báo đến tay bạn đọc thì sản phẩm đó không còn là của riêng tòa soạn, của những người viết, những người làm công tác kỹ thuật. Đẹp, xấu, dở, hay... sẽ được sự phán xét rất nghiêm khắc của dư luận đồng tình và không đồng tình.

Tôi muốn kể chuyện về một người làm báo nói ở bên Mỹ: Có một ký giả tên Việt Dũng bị tật bẩm sinh đôi chân. Một người nổi tiếng chống Cộng. Anh ta chống từ những người về Việt Nam hát, chống đi du lịch Việt Nam, chống về quay phim phong cảnh ở Việt Nam, cứ cái gì đụng đến nước Việt Nam Cộng sản là anh ta chống. Đến nỗi đài phát thanh của anh ta phỏng vấn một quan chức chế độ cũ ở quận Cam, có con về hát ở Việt Nam trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 9, anh hỏi rằng: "Tại sao chú là sĩ quan của chế độ Cộng hòa, lại cho con về hát cho Việt Cộng?". Ông ta trả lời: "Tôi già rồi, sống bằng tiền của con, ở bên này nó đã chuyển nghề, ít sô hát, Việt Nam mời thì nó về hát, tôi sống bằng tiền của con mà". Anh ta cụt hứng, cúp máy xuống và buông lời cám ơn bất đắc dĩ. Không biết nói gì nữa, vì phỏng vấn  điện thoại mà.

Một số ca sĩ khác, về nước hát, quay video, anh ta chống. Bỗng có một ca sĩ thuê anh làm người dẫn chương trình: một sô 500 USD. Anh ta nhận và liền lên sân khấu ca ngợi!. Nhiều người hỏi anh ta: "Ông chống điên cuồng như vậy, làm sao về nước được?". Anh ta trả lời: "Kiếm tiền". Có người hỏi vặn lại: "Ông đã kiếm được nhiều tiền rồi mà!". Anh ta trả lời tỉnh queo: "Kiếm tiền nữa".

Khó có thể bình luận gì thêm đối với câu trả lời kiểu đó. Hóa ra những cái trò "chống đối hô hào" chẳng có một chút lý tưởng gì hết như một số người bên Mỹ, bên Tây lầm tưởng. Lý tưởng duy nhất của những "nhà báo" chống lại đất nước kiểu đó là: tiền và tiền... chấm hết.

Ở Việt Nam ta cũng có vài "con sâu viết báo" sống kiểu đó nhưng thật ra không nhiều. Không nhiều nhưng ta lại chưa làm triệt để để bảo đảm danh dự cho số đông nhà báo chân chính. Lạ lùng thay, loại người này thường viết răn dạy người khác nhưng bản thân mình thì lại tự cho phép sống "bẩn".

Cái khó hơn của các nhà báo hiện nay là "đụng" vào các thế lực "tiêu cực" hoặc "có vấn đề" mà có gốc rễ. Tuy môi trường báo chí ở nước ta vẫn còn lành mạnh nhưng sự vu khống, bôi nhọ đối với người viết chân chính không phải không xảy ra.

Thủ trưởng một cơ quan báo chí nọ kiên quyết đuổi một phóng viên chuyên sống bằng "nghề ăn bẩn" ra khỏi cơ quan. Lẽ ra với những vi phạm đó, hắn ta phải bị truy tố trước pháp luật. Hắn ta ra ngoài, tự xưng là cộng tác viên của cơ quan nội chính nọ, viết đơn thư nặc danh, làm hồ sơ giả, tố cáo lại cơ quan và thủ trưởng cơ quan báo đã dám kiên quyết đuổi hắn ra. Tố cáo bằng đủ hình thức và lại có sự cộng sự của một vài viên chức cũng tự xưng là của nội chính nhưng bản chất thì cùng một "giuộc" là dùng con bài vu khống chính trị để trục lợi và kiếm tiền và kiếm thêm món lời gì đó, chưa biết chừng!.

Và mấy năm sau, tờ báo này tiếp tục phê bình một hiện tượng làm ăn không bình thường ở một cơ quan nọ, hắn và đồng nhóm lại gửi hồ sơ vu khống đến cho cơ quan đang bị báo đó phê bình, thủ trưởng (một cơ quan của một bộ hẳn hoi) đang bị phê bình lại lấy hồ sơ "của giả" đó báo cáo cấp trên rằng tờ báo này và thủ trưởng của nó đã bị "tội tày đình" mà hồ sơ có trong tay của họ như một phát hiện mới, như đã cầm được vàng trong tay để tố lại đối phương cho mình nhẹ gánh.

Làm báo khó thật! Làm báo để chạy theo những loại xu hướng kiếm tiền thiếu lương tâm vô trách nhiệm, chúng ta không bao giờ chấp nhận. Nhưng làm báo chân chính không phải lúc nào cũng gặp điều lành và bảo đảm sẽ được bảo vệ đến nơi đến chốn.

Khó, nhưng chúng ta dám hứa với bạn đọc rằng: không bao giờ ngòi bút của chúng ta chấp nhận sống chung với cái ác, cái xấu. Và nhất định rằng, bản chất của chế độ, và đội ngũ báo chí hùng mạnh của chúng ta sẽ không bao giờ sống chung với chúng.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 25/6/2000)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.