'Cô gái tử vong bên vỉa hè Sài Gòn': Thói vô cảm, nỗi sợ ‘giấy triệu tập’?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
29/06/2019 10:15 GMT+7

Trong câu chuyện 'cô gái tử vong bên vỉa hè Sài Gòn', nhiều ý kiến cho rằng thói vô cảm có nguyên nhân xuất phát từ "nỗi sợ giấy triệu tập" của cơ quan công an...

Theo đại tá Trần Sơn, cựu phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ va chạm và tai nạn giao thông.
Trong số đó, có nhiều nạn nhân được cứu sống nhờ được lái xe, người đi đường, người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, cũng có một số nạn nhân không được cứu sống, thương tật suốt đời vì không được giúp đỡ, vì thói vô cảm của một số người.
Đại tá Trần Sơn cho rằng thói vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông, tương tự chuyện 'cô gái tử vong bên vỉa hè Sài Gòn', đang là thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay, khi lòng nhân ái và sự sẻ chia đang bị lấn át bởi nhiều lý do. Thực tế cũng có những trường hợp vô cảm, thờ ơ, không dám... làm người tốt.

Có nhiều ý kiến cho rằng vì có nơi công an hay gửi “giấy triệu tập” đến người giúp người bị nạn, nên dẫn đến “thói vô cảm”, bởi họ có cảm giác “người tốt mà bị xem như là… tội phạm

Bạn đọc

Sợ công an... mời làm việc?! 

Tại sao có những trường hợp vô cảm như vậy? Đại tá Trần Sơn phân tích, vào ban đêm người tham gia giao thông ngoài việc chú ý quan sát đường sá, thì họ cũng cảnh giác, họ sợ bọn tội phạm dàn cảnh, sợ dừng lại xuống xe hỏi han, thì bị cướp xe, cướp tài sản...
Hoặc cũng có thể thấy tai nạn nhưng người ta sợ cứu người thì liên lụy bản thân. Thực tế có trường hợp đưa người bị nạn vào bệnh viện, bệnh viện đòi trả viện phí trước khi cấp cứu, người cứu không phải là người nhà nên họ sẽ không thể bỏ tiền túi của mình ra để chi trả cho nạn nhân. Hoặc cũng có trường hợp người nhà có thể nghi mình là người gây tai nạn, lại mang họa vào thân.
Đặc biệt, họ ngại phải là người làm chứng, cơ quan công an mời lên viết tường trình, ghi lời khai phục vụ công tác điều tra...
Theo đại tá Trần Sơn, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế nào tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thù lao cho người cứu giúp người bị nạn, hay thù lao cho người dân giúp công an xác định người gây tai nạn hay thủ phạm.

Cơ quan công an mỗi khi viết giấy mời hay triệu tập người cứu giúp người bị nạn, thì cần mềm mại, chứ không nên khiến cho họ có cảm giác nặng nề nghĩ mình như tội phạm

Một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an

Đừng để người tốt bị... cảm giác như tội phạm

Có nhiều ý kiến cho rằng vì có nơi công an hay gửi “giấy triệu tập” đến người giúp người bị nạn, nên dẫn đến “thói vô cảm”, bởi họ có cảm giác “người tốt mà bị xem như là… tội phạm”, đại tá Trần Sơn nêu ý kiến, cơ quan công an khi điều tra vụ án có quyền viết giấy mời với người làm chứng, mời người đó đến cơ quan công an để lấy lời khai, giúp làm sáng tỏ vụ án, giúp điều tra làm rõ nguyên nhân, lỗi của những người liên quan theo quy định.
Tuy nhiên, quá trình làm việc nên nhẹ nhàng và tôn trọng, không nên như hỏi cung hay nặng nề khiến người tốt có cảm giác mình như tội phạm. Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể đến tận nhà người làm chứng ghi lời khai…, làm sao để họ thấy đó chỉ là việc tích cực phối hợp điều tra.

Tài xế taxi Vinasun liên quan trực tiếp tai nạn, cũng chỉ đứng nhìn thoáng chốc 13 giây, rồi thoát khỏi hiện trường

Theo một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, việc nhận được giấy mời hay giấy triệu tập khiến ai cũng có tâm lý lo ngại, hoang mang, đặc biệt là với những người cứu giúp người bị tai nạn. Vì vậy cơ quan công an mỗi khi viết giấy mời hay triệu tập người cứu giúp người bị nạn, thì cần mềm mại để người được mời phối hợp tốt với cơ quan công an điều tra làm rõ, chứ không khiến cho họ có cảm giác nặng nề nghĩ mình như tội phạm.
Theo vị lãnh đạo này của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, giấy mời và giấy triệu tập là hai loại giấy hoàn toàn khác nhau. Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan, hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được giấy mời của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng, thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.
Đối với giấy triệu tập thì dành cho người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng, như: cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án. Nếu người được triệu tập không đến có thể sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.