Cỏ kế đồng đặc biệt nguy hại đến môi trường, sản xuất nông nghiệp

17/10/2018 11:14 GMT+7

Bộ rễ cỏ kế đồng có thể ăn sâu đến 3 m và mọc lan ngang 6 m, xâm hại nghiêm trọng đến 27 loại cây trồng khác nhau. Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp loại cỏ này vào loài xâm hại nhất trên trái đất.

Sáng nay, 17.10, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN - PTNT) tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp nhập khẩu để bàn giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng lúa mì nhập khẩu từ các nước nhiễm cỏ kế đồng.
[VIDEO] Chặn đứng cỏ kế đồng lẫn trong lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam
Chia sẻ về đặc điểm sinh thái của loại cỏ này, TS Dương Minh Tú, Giám đốc Trung tâm Phân tích kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết cỏ kế đồng được cho là có nguồn gốc tại vùng Địa Trung Hải, châu Âu, sau đó lây lan sang Mỹ, Canada vào giữa thế kỷ 19 và một số quốc gia khác, do nhập khẩu, vận chuyển các lô hàng bị nhiễm hạt của loài cỏ này.
Cỏ kế đồng có khả năng thích nghi và phát triển tại nhiều vùng sinh thái khác nhau với các loại đất khác nhau. Chúng có thể xuất hiện và gây hại tại vùng khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới giống Việt Nam.
co-ke-dong
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khẳng định sẽ kiên quyết yêu cầu tái xuất các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng, nếu không xử lý triệt để, phòng ngừa loài thực vật gây hại này xâm nhiễm vào Việt Nam Ảnh Phan Hậu
Sau 20 năm hạt cỏ kế đồng vẫn nảy được mầm
Cũng theo TS Tú, cỏ kế đồng là loài cỏ lưu niên sinh sản có thể cao đến 1,5 m, lây lan rất nhanh cả bằng vô tính bằng hình thành cây mới từ rễ và hữu tính bằng hạt, sức chống chịu và thích nghi với môi trường rất tốt. Rễ cỏ mọc rất sâu trong đất, có thể sâu đến 3 m và mọc lan ngang đến 6 m. Chỉ bằng sinh sản vô tính, 1 cây cỏ ban đầu có thể nhanh chóng tạo ra quần thể cỏ rộng xâm lấn hàng chục mét vuông. Mỗi cây có thể tạo ra 5.000 hạt cỏ rất nhỏ, dễ phát tán. Hạt cỏ có thể trôi dạt theo dòng nước và có thể nảy mầm sau khi nằm trong đất hoặc trong nước 20 năm.
Ở khía cạnh môi trường, TS Tú cũng nhấn mạnh đây là loại cỏ xâm hại đến môi trường tự nhiên, xâm lấn bãi cỏ, bờ sông, đất rừng, vùng đất ngập nước xen kẽ. Khi loài kế đồng đã thiết lập quần thể, chúng sẽ nhanh chóng lây lan và lấn át các loài thực vật bản địa, làm giảm đa dạng sinh học.
Theo thống kê từ 40 quốc gia đã bị xâm lấn, cỏ kế đồng là loài cỏ có khả năng xâm hại cao, có thể gây hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng như ngô, đậu tương, các loại đậu đỗ, hành, tỏi, ớt, các loại dưa, bông, cải bắp, cà rốt, các loại cây họ hoa thập tự, bầu bí, cà chu, khoai tây, cà, nho…
Nhiều nước như Úc, Argentina, Hàn Quốc… xếp loại cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt để không cho chúng xâm nhập, lây lan theo hàng hoá nhập khẩu vào trong nước. Còn tại Mỹ, dù loài cỏ này đã xuất hiện và gây hại phổ biến nhưng vẫn được xếp vào danh sách nhóm 1 - các loài cỏ gây hại nguy hiểm (noxious weed) và xâm hại (invasive) vì rất khó phòng trừ, phải dùng các loại thuốc trừ cỏ như Paraquat, Glyphosate… Trường hợp nếu kiểm tra trên mẫu lấy từ các lô hàng nhập khẩu mà bị phát hiện có từ 3 hạt cỏ kế đồng trở lên thì lô hàng đó sẽ không được cho phép nhập khẩu.
Ở Canada, từ năm 1865, quốc gia này đã ban hành đạo luật về phòng trừ cỏ kế đồng và phạt tiền những cá nhân vi phạm, không phòng trừ loài cỏ nguy hại này.
Kiểm soát chặt để ngăn hệ lụy
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, dù phát hiện từ tháng 5, tháng 6 và cảnh báo đến doanh nghiệp, nhưng số lượng các lô hàng nhiễm cỏ không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Nếu tháng 5 chỉ có vài lô hàng thì đến tháng 8 kiểm đếm đã có khoảng 1,6 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ.
Nếu không kiểm soát chặt chẽ, cỏ kế đồng xâm nhập vào Việt Nam trước hết sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường, sau nữa là nguy cơ một loạt thị trường các nước nhập khẩu nông sản Việt Nam sẽ lần lượt đóng sập lại hoặc bị kiểm soát gắt gao hơn, trong bối cảnh cỏ kế đồng đã được đưa vào danh mục thực vật nguy hại, bị cấm ở nhiều quốc gia.
“Chúng tôi chưa có bất cứ văn bản nào nói cấm hay ngừng nhập khẩu các lô hàng lúa mì, chỉ yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn không để loại cỏ này xâm nhiễm vào Việt Nam. Nếu tình trạng khắc phục không được cải thiện, Cục Bảo vệ thực vật sẽ kiên quyết yêu cầu tái xuất các lô hàng và đây là điều bình thường theo thông lệ, quy định của quốc tế”, ông Trung nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.