Coi trọng năng lực thực tiễn và sự liêm khiết

26/09/2009 00:11 GMT+7

LTS: Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào nửa đầu tháng 1.2011. Ngày 24.9 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTT.Ư) đã tiến hành Hội nghị Cán bộ kiểm tra toàn quốc quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và các hướng dẫn phục vụ đại hội Đảng các cấp. Ông Nguyễn Văn Chi (ảnh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKTT.Ư đã có bài phát biểu quan trọng liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, và kỷ luật để phục vụ cho đại hội Đảng các cấp tiến đến đại hội toàn quốc. Báo Thanh Niên xin lược trích bài phát biểu này.

...Đại hội XI của Đảng sẽ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; bổ sung, phát triển Cương lĩnh, xác định chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do vậy, chúng ta cần đặc biệt coi trọng và lưu ý đến công tác kiểm tra, giám sát, và kỷ luật Đảng trong việc lựa chọn và chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ này từ xã, phường, huyện, tỉnh và tương đương trở lên.

Các cấp ủy viên được bầu trong nhiệm kỳ này từ xã, huyện, tỉnh và tương đương trở lên phải là những cán bộ không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Tham nhũng đang là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Các cấp ủy viên được bầu trong nhiệm kỳ này từ xã, huyện, tỉnh và tương đương trở lên phải là những cán bộ không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Chúng ta phải có bản lĩnh, phải có dũng khí và phải có tính chiến đấu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đã chống tham nhũng thì không thể xử lý nội bộ, không xử lý hành chính, không kiểm điểm rút kinh nghiệm mà phải xử lý theo pháp luật. Việc xử lý phải kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào.

Nghị quyết Trung ương 3 đã nêu rõ, những đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, dù cơ quan chức năng chưa kết luận được, cấp ủy vẫn phải xem xét, cân nhắc bố trí công việc khác và không đưa vào cấp ủy nhiệm kỳ này. Chọn được những cấp ủy viên như vậy, chưa đẩy lùi thì chí ít cũng hạn chế, ngăn chặn được tình trạng tham nhũng hiện nay.

Các cấp ủy viên được bầu, nhất là người đứng đầu phải là những cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực hoàn thành công việc được giao. Trong Đảng hiện nay vẫn có một bộ phận tự diễn biến, tự chuyển hóa, tự đổi màu, tự suy thoái. Nên cấp ủy viên phải là những cán bộ không suy thoái về chính trị, tư tưởng thì Đảng mới vững mạnh về chính trị, Đảng mới giữ vững vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của mình. Các cấp ủy viên và nhất là người đứng đầu phải là những cán bộ không suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống thì trong Đảng mới trong sạch vững mạnh, ngoài xã hội mới được lành mạnh.

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là các cấp ủy viên được bầu chọn phải là những cán bộ luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Mỗi cấp ủy viên phải thấm nhuần nguyên tắc tập trung dân chủ, sức mạnh là của tập thể, trí tuệ là của nhiều người. Có như vậy mới tránh tình trạng độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền, cục bộ địa phương, dẫn đến gây mất đoàn kết nội bộ. Trong Đảng có phát huy và mở rộng dân chủ thì ngoài xã hội dân chủ mới được thực hiện trong thực tế và không bị vi phạm. Đáng tiếc là vừa qua tình trạng thiếu kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, dân chủ vô chính phủ, dân chủ không có sự lãnh đạo của Đảng vẫn còn diễn ra ở một số nơi gây điểm nóng, để cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá và xuyên tạc. Hiện tượng này cần phải chấm dứt trước đại hội Đảng các cấp.

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển và là một trong các nguyên tắc hoạt động của Đảng. Tự phê bình và phê bình tốt thì trong Đảng mới lành mạnh, có kỷ cương, đạt được sự đồng thuận của xã hội. Do vậy, việc kiểm điểm cá nhân trước đại hội lần này phải làm kỹ, thực sự trung thực, cầu thị; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, không có chính kiến đang còn khá phổ biến trong sinh hoạt đảng. Việc lựa chọn nhân sự cấp ủy cần xác định đây phải là những cán bộ có phong cách làm việc sâu sát cơ sở; nói ít, làm nhiều; nói đi đôi với làm, tạo được niềm tin cho quần chúng. Người lãnh đạo cấp cao, người có chức vụ càng cao phải thể hiện là tấm gương càng sáng, để cấp dưới và quần chúng noi theo; phải là người có uy tín trong Đảng, xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta phải xác định rõ những nhân sự được bầu chọn vào cấp ủy phải là những cán bộ gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Bệnh quan liêu, xa dân, xa rời thực tế, thậm chí còn ngại tiếp xúc, đối thoại với dân... sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Đây là một nguy cơ lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, đối với Đảng cầm quyền mà mất lòng dân, xa rời quần chúng thì quần chúng không quan tâm đến cái sống, cái chết của Đảng. Tình trạng lạm dụng quyền lực để vợ (chồng), con lợi dụng chức, quyền (chạy dự án, tặng cổ phiếu...) làm tổn hại và xâm phạm lợi ích của dân để thu vén cá nhân, làm giàu phi pháp đã làm cho quan hệ giữa Đảng và quần chúng, giữa cán bộ lãnh đạo và quần chúng có lúc, có nơi trở nên căng thẳng. Ở một số nơi, một số cán bộ lãnh đạo mất uy tín, dần dần trở thành đối tượng dân công kích, chế giễu; những nơi đó vào giờ phút then chốt, quần chúng nhân dân sẽ không sẻ chia nỗi lo âu của Đảng. Do vậy, cấp ủy phải là những cán bộ gần dân, tôn trọng dân, gắn bó, lắng nghe dân thì mới quy tụ được khối đại đoàn kết dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã cho chúng ta một bài học xương máu, chế độ nào khi được dân tin, dân mến, luôn luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, chăm lo cuộc sống của dân thì chế độ đó mới được trường tồn.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, các cấp ủy phải lãnh đạo tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Đó là những vấn đề: mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản, mua sắm tài sản công... Tất cả phải được đặt lên bàn nghị sự, phải làm cho công khai, minh bạch, trường hợp cán bộ có sai phạm nghiêm trọng thì xử lý nghiêm minh và cử người thay thế trước khi tổ chức đại hội. Công tác tổ chức chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy phải thực hiện đúng các quy chế, quy định của Đảng và hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ. Trong đó, cần chú ý phát hiện những nhân tố mới có đức, có tài, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học – công nghệ và cán bộ người dân tộc thiểu số. Bảo đảm mở rộng dân chủ, công tâm, khách quan, chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.