Con người tiếp tục làm tổn hại sinh thái của mình

22/05/2005 22:54 GMT+7

Năm nay Liên Hiệp Quốc kỷ niệm ngày Đa dạng sinh học quốc tế 22/5 bằng cách cho công bố một báo cáo quan trọng "Hệ sinh thái và sự an sinh của con người" (Ecosystems and Human Well-being). Hơn 1.360 nhà khoa học và 2.000 chuyên gia chấp bút và phản biện từ 95 quốc gia trên thế giới đã được Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) huy động trong "Chương trình thiên niên kỷ thẩm định các hệ sinh thái" (Millennium Ecosystems Assessment- gọi tắt là MA) trong suốt 5 năm nay.

Đây là tài liệu đánh giá tổng hợp toàn cầu dựa trên 33 chương trình đánh giá vùng sinh thái đặc thù trên quả đất. Mục tiêu của chương trình MA là thiết lập cơ sở khoa học để quyết định những can thiệp cần thiết giúp con người làm tốt hơn trong bảo tồn và sử dụng lâu bền các hệ sinh thái và những đóng góp của chúng cho  nhu cầu của con người. Vì cơ sở của tất cả các hệ sinh thái là một phức thể rất năng động tương tác giữa thực vật, động vật và vi sinh vật nên đa dạng sinh học (ĐDSH) đã là đối tượng chính của chương trình MA.

Báo cáo vừa công bố của nhóm MA cho thấy một viễn cảnh rất đáng lo lắng của tất cả các hệ sinh thái. Đúng như Liên Hiệp Quốc có lần cảnh cáo: "Những cố gắng của chúng ta đẩy lùi nghèo đói để tiến lên phát triển bền vững sẽ như công toi nếu sự suy thoái môi trường và tiêu hao tài nguyên thiên nhiên không được chặn đứng". Bản báo cáo tổng hợp đã báo động là 90% nguồn lợi thủy sản của thế giới đã bị mất đi từ khi ngành đánh cá được cơ giới hóa, 1/3 các loài lưỡng thể, 1/5 các loài có vú và  các loài tùng bách đang bị tuyệt chủng. Con người đã làm cho ĐDSH bị biến đổi rất nhanh trong 50 năm qua so với bất cứ thời đại nào trong lịch sử. Và các tác giả đã tính toán rằng trên 60% những dịch vụ cung cấp bởi các hệ sinh thái nền cho an sinh nhân loại đang bị thoái hóa nhanh. Các dịch vụ đó là khả năng điều hòa khí hậu, thanh lọc khí trời và nước, khống chế các dịch bệnh và giảm thiểu những thiên tai. Sự phá hủy ĐDSH do con người gây ra đã đưa đến những hệ lụy mà ngày nay chúng ta đang gánh chịu: khí trời quá nóng, sông ngòi, ao hồ cạn kiệt... Một hecta đất rừng sát biển như ở Thái Lan có giá trị 1.000 USD nếu để nguyên sinh. Nhưng khi phá đi để làm vuông nuôi tôm trong vài năm, miếng đất đó bị thoái hóa, giá trị không hơn 200 USD, làm sụt giảm sự an sinh của người nông dân sống trên đất ấy. Những người nghèo sống trên những tài nguyên thiên nhiên (ĐDSH) như trên rất cần lương thực, thực phẩm, thuốc men lấy từ hệ sinh thái của họ. Nếu ĐDSH của các hệ sinh thái bị phá hủy, cái nghèo và đói không thể chấm dứt sớm được.

Những tác động chính do xã hội loài người làm phá vỡ cân bằng các hệ sinh thái có thể liệt kê như sau: thay đổi mục đích sử dụng đất đai, thay đổi dòng chảy các con sông, lấy nước  quá nhiều từ các dòng sông, phá vỡ thềm lục địa và đáy biển do lưới cào, du nhập các giống xa lạ, bóc lột đất đai, làm ô nhiễm môi trường.

Báo cáo của nhóm MA kêu gọi các nhà lãnh đạo cần kiên quyết giảm thiểu các hành động tổn hại ĐDSH chậm nhất là vào năm 2010, và làm cho xã hội con người có ý thức bảo vệ ĐDSH để nâng cao chất lượng đời sống của mình.

GS Võ Tòng Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.