Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó có Khu công nghiệp Dung Quất (nay là Khu kinh tế Dung Quất) và Khu kinh tế mở Chu Lai là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Để đẩy nhanh phát triển tổng hợp Khu kinh tế Dung Quất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kinh tế các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã quyết định thành lập Khu kinh tế Dung Quất trên cơ sở Khu công nghiệp Dung Quất.
Mục tiêu chủ đạo của quyết định này là xây dựng Khu kinh tế Dung Quất trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu - hóa dầu - hóa chất, các ngành công nghiệp có qui mô lớn bao gồm công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép, sản xuất xi măng, sản xuất container và các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu, gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay quốc tế Chu Lai và đô thị công nghiệp - dịch vụ Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi.
Đến nay, Khu kinh tế Dung Quất đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng khung, bước đầu đáp ứng nhu cầu triển khai dự án đầu tư của các doanh nghiệp, bao gồm giao thông đường bộ, đường hàng không, đường biển, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc, đào tạo nghề, bệnh viện, nhà ở cho công nhân và một số công trình dịch vụ, tiện ích khác với tổng vốn do Nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trên 2.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, cảng nước sâu Dung Quất đã đảm bảo đáp ứng cho tàu trên 20.000 tấn cập cảng và mở tuyến container nội địa vào đầu năm 2006. Hiện đã có trên 75 dự án được cấp phép và chấp thuận đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2 tỷ USD (chưa kể vốn đầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất trên 2,5 tỷ USD).
Cũng tại buổi lễ, ông Trương Văn Tuyến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất báo cáo tóm tắt việc Petro Vietnam ký kết hợp đồng gói thầu EPC 1+4 với Tổ hợp nhà thầu Technip. Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án, trị giá trên 1,5 tỉ USD, được thực hiện theo hình thức chìa khoá trao tay. Cuối tháng 6/2005, hợp đồng EPC 1+4 sẽ có hiệu lực. Phần lắp đặt cơ khi sẽ hoàn thành sau 36 tháng để chuyển sang giai đoạn chạy thử đồng bộ nhà máy với thời gian 8 tháng.
Với công suất 6,5 triệu tấn/năm, vào đầu năm 2009 dự kiến nhà máy sẽ cho ra các sản phẩm chính như xăng Mogas 90/92/95, LPG, Jet A1, Diezel ô tô, propylen. Doanh số của nhà máy hàng năm ước đạt trên 35.000 tỉ đồng.
Nhân dịp này Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cũng đã trao giấy chứng nhận và chấp thuận đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.346 tỉ đồng và tổ chức lễ đón tàu có trọng tải 21.000 tấn cập cảng Dung Quất. Dự kiến trong năm nay lượng hàng hoá thông qua Cảng Dung Quất sẽ đạt khoảng 700.000- 800.000 tấn.
(Theo TTXVN)
Bình luận (0)