Công trình nước sạch bỏ hoang ở Đắk Nông - Kỳ 2: Tiền tỉ chỉ bán phế liệu

13/04/2019 18:04 GMT+7

Đắk Nông đang chỉ đạo xử lý các công trình nước sạch bỏ hoang, hoạt động không phát huy hiệu quả; rà soát, thanh lý những công trình hư hỏng nặng, không thể khắc phục.

Như Thanh Niên đã phản ánh, trong gần 15 năm, Đắk Nông xây dựng hơn 250 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với chi phí hàng trăm tỉ đồng. Nhưng hiện nay, hơn nửa số công trình nước sạch đó bị bỏ hoang... 

Tiền của nhà nước bị lãng phí

Tại buôn N’Jiêng, xã Đắk Nia, TX.Gia Nghĩa (Đắk Nông) có một công trình cấp nước sạch sinh hoạt đầu tư xây dựng từ năm 2007, nhưng hơn 10 năm qua bị bỏ hoang, không sử dụng. Trong khoảng thời gian đó, 98 hộ dân tại buôn này phải sử dụng nước suối, nước giếng khoan không hợp vệ sinh.
“Chỉ mới đến năm 2018 vừa rồi người dân trong buôn mới được đấu nối với hệ thống nước sạch để sinh hoạt. Nhưng rồi công trình cấp nước to lớn xây bằng tiền của nhà nước nằm bỏ không ngần ấy năm rất lãng phí”, bà H’Duyên, người dân buôn N’Jiêng, nói.
Hiện đài nước của công trình này nằm cạnh một sân bóng đá, nhiều người dân buôn N’Jiêng đề nghị tháo dỡ vì có thể ngã đổ, gây nguy hiểm.
Năm 2006, buôn Bu Prâng (xã Đắk N’Đrung, H.Đắk Song) được nhà nước đầu tư xây dựng một công trình nước sinh hoạt tập trung trị giá hơn 500 triệu đồng. Thế nhưng, công trình này chỉ cấp nước cho 50 hộ dân trong buôn khoảng 1 năm, sau đó bị hỏng thường xuyên, các hộ phải góp tiền sửa chữa nhiều lần nhưng không thể khắc phục. Từ năm 2007 đến nay, công trình này bị bỏ hoang hoàn toàn, nhiều hộ dân phải quay trở lại dùng nước suối…
Công trình cấp nước ở bon N'Jiêng, xã Đắk Nia, bị bỏ hoang hơn 10 năm TRUNG CHUYÊN
Tê liệt công trình nước sạch tiền tỉ
Có thể thấy nhiều công trình nước sạch hư hỏng, không thể sử dụng tương tự ở nhiều buôn làng Đắk Nông. Nhiều công trình có mức đầu tư lớn, như công trình nước sạch cấp nước sinh hoạt cho hai buôn Bu Nđơr A và Bu Nđơr B (xã Quảng Tâm, H.Tuy Đức, Đắk Nông) có tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỉ đồng, xây dựng vào năm 2009. Khi đưa vào sử dụng thời gian ngắn, thì công trình nước sạch này bị hư hỏng, tê liệt, không hoạt động đến nay.
Ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết do nhiều yếu tố, các công trình nước sạch cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
Thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Nông, đến ngày 29.3.2019, toàn tỉnh có 245 công trình nước sạch cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; trong đó có 72 công trình đang hoạt động (chiếm 29,39%); 173 công trình ngưng hoạt động (chiếm đến 70,61%).
Theo ông Thuận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình nước sạch ngưng hoạt động, bỏ hoang quá nhiều trên địa bàn. Đó là một số công trình sử dụng nguồn nước ngầm nhưng thiếu đánh giá trữ lượng nguồn nước, sau khi khai thác một thời gian nguồn nước bị suy giảm, thiếu hụt, làm công trình tê liệt. Một số công trình chỉ sử dụng nước vào mùa khô (2 - 3 tháng), mùa mưa không sử dụng nên sau một thời gian công trình hư hỏng. Nhiều công trình nước sạch đầu tư xây dựng ở các thôn, buôn làng vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, không đóng đủ tiền nước để chi trả tiền điện, tiền bảo trì, sửa chữa công trình khi có sự cố cũng làm công trình không thể vận hành…
“Nhiều đơn vị chủ đầu tư không có chuyên môn về xây dựng công trình cấp nước, khi tiến hành đầu tư không khảo sát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn dẫn đến đầu tư chồng chéo, nhiều công trình không phát huy hiệu quả, nhanh chóng bị bỏ hoang…”, ông Thuận nhận xét.
Hàng loạt công trình nước sạch ở Đắk Nông đang bị "đắp chiếu" TRUNG CHUYÊN

Rà soát hiện trạng, xử lý trách nhiệm

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Trung Thơ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết ngay sau khi Thanh tra tỉnh Đắk Nông công bố kết luận thanh tra về đầu tư xây dựng một số công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản chỉ đạo về công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình nước sạch.
Theo đó, tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; thống kê rà soát các công trình hư hỏng, ngừng hoạt động, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục; làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình cấp nước để xử lý nghiêm…
“Đến đầu tháng 4, Sở NN-PTNT Đắk Nông đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá tình hình hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh và báo cáo với UBND tỉnh. Trong số này, đối với các công trình hư hỏng nhỏ, người dân còn có nhu cầu sử dụng nguồn nước, thì chúng tôi đề xuất phương án sửa chữa; công trình nào hoạt động kém hiệu quả, thì có phương án nâng cấp, hỗ trợ chi phí quản lý, vận hành. Còn công trình nào hư hỏng nặng, không còn khả năng sửa chữa, người dân không có nhu cầu sử dụng nguồn nước, chúng tôi sẽ đề xuất cho thanh lý, bán phế liệu”, ông Thơ nói.
Trước 30.5 phải làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm
Theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, Sở NN-PTNT chủ trì thực hiện các nội dung với các mốc thời gian.
Theo đó trước ngày 30.3, tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã xây dựng từ năm 2004 đến nay.
Trước ngày 30.4, hoàn thành thống kê rà soát các công trình hư hỏng, ngừng hoạt động, xác định nguyên nhân; đề xuất giải pháp khắc phục, quản lý, vận hành…
Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm xảy ra trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung kém hiệu quả, bị hư hỏng, ngừng hoạt động, làm thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước, tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công việc này được thực hiện và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30.5.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.