Công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách và trái phiếu: Phát hiện sai phạm hơn 7.952 tỉ đồng

21/01/2015 08:02 GMT+7

Ngày 20.1, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu trên cơ sở tổng hợp kết quả từ 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Ngày 20.1, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu trên cơ sở tổng hợp kết quả từ 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
Đợt thanh tra chuyên đề tập trung vào việc kiểm tra phê duyệt và điều chỉnh các công trình cơ bản - Ảnh: Ngọc ThắngĐợt thanh tra chuyên đề tập trung vào việc kiểm tra phê duyệt và điều chỉnh các công trình cơ bản - Ảnh: Ngọc Thắng
Đợt thanh tra này được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó tập trung kiểm tra việc phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư, nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án (DA) có mức độ thay đổi tổng mức đầu tư lớn. Qua đó, kịp thời phát hiện sai phạm, bất cập và đề xuất với Chính phủ có chế tài xử lý.
Theo tổng hợp, trong đợt thanh tra chuyên đề này đã có 13.184 DA với tổng mức đầu tư hơn 502.000 tỉ đồng được thanh tra, kiểm tra.
Các bộ ngành: kiến nghị thu hồi 1.122 tỉ đồng
Tại các bộ ngành, qua tiến hành thanh tra tại 444 DA công trình, kiểm tra 194 DA với tổng mức đầu tư hơn 357.000 tỉ đồng đã phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 4.700 tỉ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước là 1.122 tỉ đồng, giảm trừ khi thanh quyết toán là 1.425 tỉ đồng và kiến nghị xử lý khác là 2.216 tỉ đồng. Các dạng sai phạm được phát hiện gồm công tác khảo sát, lập DA còn sơ sài, thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực tế địa hình, địa chất công trình dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung khiến tổng mức đầu tư thay đổi. Đáng chú ý, do còn có những tồn tại, thiếu sót ở khâu chuẩn bị đầu tư nên giá trị của DA phải bổ sung tăng so với quyết định phê duyệt ban đầu là 21.316 tỉ đồng; bổ sung giá trị các hạng mục thiếu trong thiết kế là 11.533 tỉ đồng; trượt giá tăng do thời gian thực hiện DA thay đổi, kéo dài làm tăng giá trị vật liệu… là 27.887 tỉ đồng.
Ngoài ra, các đoàn thanh tra phát hiện nhiều DA chưa duyệt hoặc không nằm trong quy hoạch: có bộ có tới 12 DA chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và có 9 DA không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công. Bên cạnh đó, nhiều DA thiết kế xong không sử dụng, có DA phải thay đổi hoàn toàn gây lãng phí hơn 60 tỉ đồng; nhiều DA do lập tổng mức đầu tư chưa chính xác nên phải thay đổi nhiều lần (có DA thay đổi tới 4 lần)...
Các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư: thu hồi hơn 123 tỉ đồng
Tương tự, tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, qua thanh tra 12.546 DA, công trình với tổng mức đầu tư gần 145.000 tỉ đồng đã phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm về kinh tế 3.189 tỉ đồng. Trong đó, thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 123 tỉ đồng, giảm trừ giá trị thanh quyết toán là 128 tỉ đồng và xử lý khác là 2.937 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền được phát hiện kiến nghị xử lý là hơn 7.952 tỉ đồng. Trong đó, thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1.245 tỉ đồng; giảm trừ khi thanh quyết toán là 1.553 tỉ đồng và xử lý khác như điều chỉnh giá trị dự toán, giá trị hợp đồng, yêu cầu sửa chữa lại... là 5.153 tỉ đồng.
Chủ yếu xử lý hành chính
Đáng chú ý, dù sai phạm phát hiện rất lớn nhưng tổng hợp kiến nghị của các cơ quan thanh tra cho thấy chủ yếu xử lý về hành chính, trong đó kiểm điểm rút kinh nghiệm và có hình thức kỷ luật đối với 240 tập thể và 197 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra chỉ 1 vụ việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.