Công trình xây dựng Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng): Đầu tư 380 tỉ đồng, xây chưa xong đã nứt bể!

14/03/2006 23:02 GMT+7

Với số vốn đầu tư 380 tỉ đồng, Nhà máy nước Cầu Đỏ (xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) được coi là công trình mang lại niềm hy vọng cho dân cư thành phố, đặc biệt trong các khu đô thị mới đang ngày một mở rộng. Thế nhưng kể từ ngày khởi công đến nay, VINACONEX 10 - đơn vị thi công - đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng và hơn thế, nó đang ẩn chứa trong mình những nguy cơ tiềm ẩn...

Nứt bể tùm lum!

Theo bản báo cáo đề ngày 29/9/2005 của ông Nguyễn Hoàng Nam Trân, giám sát kỹ thuật của Ban chỉ huy công trình tại hạng mục bể lọc nhanh Nhà máy nước Cầu Đỏ do Đội xây dựng số 15, Công ty cổ phần xây dựng 10 (VINACONEX 10) thi công, gửi Ban giám đốc, Phòng kỹ thuật công ty và Ban chỉ huy công trình Nhà máy nước Đà Nẵng thì: Qua kiểm tra thực tế hiện trường tại hạng mục này, ông Trân đã phát hiện toàn bộ tường mái ở cốt 15.1m từ mục 1A đến mục 6C có chiều dày 10cm, toàn bộ giằng tường mái bê tông cốt thép (BTCT) có tiết diện 10x10 cm trong khi hồ sơ thiết kế chiều dày tường mái là 20cm, giằng tường BTCT là 20x15 cm. Bản báo cáo viết tiếp: "Nay tôi xin báo cáo với ban giám đốc, phòng kỹ thuật và ban chỉ huy công trình biết để xem xét và sớm cho ý kiến xử lý để tránh trường hợp sau này không nghiệm thu được với chủ đầu tư và tránh ảnh hưởng đến công việc liên quan tiếp theo".

Ngày 30/9/2005, ông Trân lại có tiếp một bản báo cáo, cho biết thêm một hiện tượng khác: tại 11 ô sàn BTCT ở cốt 15.1m từ mục 1A đến mục 6C đã xuất hiện các vết nứt kéo dài liên tục từ 2.6m đến 3m ngay gần giữa ô sàn theo phương vuông góc với chiều dài nhà có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các vết nứt này đã làm nước mưa trên sàn thấm và nhỏ từng giọt vào phòng gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình.

Chưa hết, ngày 6/10/2005, giám sát kỹ thuật Nguyễn Hoàng Nam Trân gửi tiếp một báo cáo khác, cho biết toàn bộ hạng mục bể lọc nhanh "nhìn đâu phát hiện sai đó". Cụ thể: Lớp vữa trát tường ngoài trục A, D từ cốt 6.2 đến cốt 9.3 có chất lượng và chiều dày không đúng thiết kế, đến nỗi dùng tay ấn mạnh thì lớp vữa bong ra. Tường ngoài và các tường trong bể phần lớn lớp vữa trát chưa đạt yêu cầu, không phẳng, nhiều chỗ lồi lõm... Tường mái, giằng tường mái thi công không đúng thiết kế; sàn mái bị nứt; đáy mương dẫn nước trục A bị nứt ngay vị trí giữa nhà...

Rút ruột công trình (!?)

Các bản báo cáo của người giám sát kỹ thuật cho thấy chất lượng công trình đã "tan nát" trước khi đưa vào sử dụng. Thế nhưng nguyên nhân do chính người giám sát báo cáo mới làm mọi người "hết hồn": "Các thanh thép chờ số 23, 24 của toàn bộ mương thu nước rửa lọc từ cốt 8.55 đến cốt 9.05 có số lượng không đúng thiết kế. Cụ thể thanh thép này có số lượng 50 đến 55 cây cho một thành mương, trong lúc đó theo thiết kế phải là 63 cây".

Không chỉ thấy được nguy cơ từ các bản báo cáo của người giám sát kỹ thuật, nhiều công nhân tham gia thi công công trình đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp lãnh đạo thành phố và trực tiếp phản ánh với Thanh Niên về nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng đáng báo động của công trình này: "Hiện nay, bể chứa nước sạch không phải thấm mà là chảy nước trên vách bể khó cứu vãn được. Mới bơm vào 30cm nước đã chảy ra ngoài. Nếu có xử lý cũng chỉ tô trát tạm thời không thể bảo đảm chất lượng khi đưa vào sử dụng. Lý do là thi công không đúng thiết kế, bớt xén vật tư, sắt thép. Ví dụ: Tường ngăn bê tông rửa lọc ăn bớt sắt cây (báo cáo của giám sát đã đề cập ở phần trên - PV) nhưng đã được đổ bê tông, nếu khắc phục thì chỉ có cách phá bỏ toàn bộ. Gạch dùng để xây theo thiết kế là gạch tuy nen nhưng khi thi công lại mua gạch thủ công rẻ tiền... cũng là một cách rút ruột công trình".

Tai nạn nối tiếp tai nạn

Ngày 14/4/2005, tại công trình thi công xây dựng khu xử lý Nhà máy nước Cầu Đỏ đã xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, giàn bê tông đang thi công đổ sập xuống. (Lúc đó, bê tông đã đổ được hơn 13 xe, ước khoảng 80m3). Toàn bộ công nhân tham gia thi công đều bị nạn, trong đó ngoài 2 người bị xây xước nhẹ, 17 người còn lại đều bị vùi trong những lớp bê tông, sắt, giàn giáo... Tất cả được đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm y tế huyện Hòa Vang.

9 người nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng đều bị chấn thương như xẹp đốt sống, gãy xương cẳng tay, chấn thương đầu, chấn thương ngực, xương đòn trái, hố chậu... và hầu hết họ là công nhân nhưng không được ký hợp đồng lao động. Đây là một trong những tai nạn lao động nghiêm trọng nhất xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng.

Một tháng sau đó, tại công trình xây bể lọc nhanh, một công nhân đã chết cũng vì tai nạn khi làm việc. Trong khi tai nạn sau xảy ra thì sự cố sập giàn giáo bê tông của tai nạn trước vẫn không được làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm. Trong đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền thành phố, các công nhân và kỹ thuật công trường cho rằng các vấn đề trên "nhìn mắt thường cũng có thể thấy được" và "còn rất nhiều điều gian dối tại công trường mà nếu có đoàn kiểm tra thì công nhân sẵn sàng cung cấp".

Ngày 14/3, chúng tôi có mặt tại công trường này nhưng cũng chỉ thấy vài công nhân làm việc, hỏi đội trưởng đội xây dựng số 15 thì công nhân bảo "lâu rồi không thấy mặt ông ta!".

Tổ PV Miền Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.