Cướp số điện thoại đẹp

01/04/2012 04:32 GMT+7

Nhiều chủ sở hữu những số điện thoại đẹp giá trị tới hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng đang lo ngay ngáy trước nguy cơ bị “cướp”.

>> Lừa bán sim số đẹp qua mạng
>> Bát nháo thị trường sim di động
>> Vay thế chấp bằng sim số đẹp
>> Mua sim số đẹp: Coi chừng mất oan

Khai tử chủ nhân

Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Thoại (ngụ Q.Tân Bình, giám đốc của một công ty) bức xúc cho biết, ông đi công tác nước ngoài về thì số điện thoại sử dụng 10 năm qua đột nhiên... đổi chủ. Cụ thể, từ tháng 5.2011 ông đi công tác nước ngoài đến 10.2011 về nước, lắp sim số điện thoại 091... 8888 vào gọi thì không liên lạc được. Tuy nhiên, khi ông gọi thử vào số điện thoại này thì máy vẫn đổ chuông và một người khác đang sử dụng. Số điện thoại đuôi tứ quý 8 là số điện thoại trả trước. Năm 2010, theo quy định ông đã ra đăng ký, khai báo sở hữu số điện thoại này. Thậm chí, ông nạp tiền vào nhiều đến nỗi thời hạn sử dụng đến 2030 mới hết hạn.

Cho rằng số của mình sở hữu, trị giá cả trăm triệu đồng, sim vẫn còn cầm trên tay mà người khác lại “chôm” mất số, ông Thoại đã nhiều lần khiếu nại. Vinaphone nhiều lần hứa hẹn trả lại số nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.


Minh họa: DAD

Trường hợp sau đây còn bất ngờ hơn. Giữa năm 2011, anh Trần Tiến Công (ngụ Hải Phòng) mua sim 0986xxx888 của một người ngụ ở Quảng Ninh, đã sang tên chính chủ. Đây là số thuê bao trả trước, trị giá khoảng chục triệu đồng và thỉnh thoảng chủ nhân mới sử dụng. Ngày 17.3, khi lắp sim vào máy, anh Công phát hiện sim không hoạt động. Gọi điện lên nhà mạng kiểm tra, anh được biết số điện thoại này đã được sang tên cho người khác vì... anh đã chết (!?).

Anh Công bức xúc: "Nhân viên nhà mạng Viettel cho biết ngày 22.2 có một khách hàng tự nhận là em cùng mẹ khác cha với tôi tới cửa hàng Viettel xuất trình giấy chứng tử mang tên Trần Tiến Công. Giấy này do Phó chủ tịch UBND xã Tiền An, Quảng Yên, Quảng Ninh cấp ngày 20.2 để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu số thuê bao 0986xxx888, trong khi tôi vẫn đang sống sờ sờ đây".

Quá trình xác minh cho thấy anh Trần Tiến Công vẫn còn sống, xuất trình được sổ hộ khẩu và chứng minh thư hợp lệ nên Viettel đã khôi phục lại số thuê bao, trả lại cho anh Công.

Sim chưa kích hoạt cũng mất số

Trong quá trình tìm hiểu sự việc này, phóng viên Thanh Niên đã liên lạc với nhiều đại lý của các nhà mạng. Các đại lý khẳng định chuyện bị ăn cắp số đẹp là bình thường.

Mới đây, anh Nguyễn Hồng Đào (ngụ 162B, KP.Gò Công, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM) cho biết: Tình cờ kiểm tra sim số 0906.081.091 còn nguyên kít, nguyên thẻ sim, có cả decal thì phát hiện đã bị mất cắp. Đến trung tâm giao dịch MobiFone tìm hiểu, anh Đào được biết sim này đã được một đại lý ở Nam Định đăng ký, thay sim, kích hoạt sử dụng từ cách đây 2 năm (29.10.2009) và đã qua nhiều đời chủ.

Hoảng hốt trước sự việc này, anh Đào kiểm tra một loạt số đẹp có đuôi Thần tài khác: 0904.95.3939, 0934.65.3939, 0936.19.3939 nguyên kít, nguyên cả thẻ sim, thì cũng phát hiện đã bị mất cắp. “Liên tục khiếu nại nhiều lần, đến tháng 12.2011, tôi có nhận được điện thoại của đại diện MobiFone chi nhánh 2 TP.HCM thông báo, MobiFone đã phục hồi trả lại vào sim gốc cho tôi 3 số. Riêng số 0936.19.3939 đã được đấu giá bán cho khách hàng ở Hà Nội không thể phục hồi. Đây là lý do không thể chấp nhận được và tôi đang tiếp tục khiếu nại”, anh Đào cho hay.

Ngày 27.3 vừa rồi, anh Đào lại gửi đơn khiếu nại đến Viettel vì vừa phát hiện số 01686.686868 (seri 89840 4850 1080 005325) còn nguyên kít, nguyên sim mới nhưng số đã bị mất cắp.

Tương tự, chị H. (ngụ Q.8, một đại lý sim) cũng báo, vừa rồi chị phát hiện cả trăm số điện thoại chưa kích hoạt còn nằm trong kho cũng bị “ăn cắp”. “Tất nhiên, những số điện thoại này đều là số đẹp. Nếu số xấu thì đâu ai lấy làm gì”, chị H. cho biết.

Đem thắc mắc này hỏi một kỹ sư công nghệ đang công tác trong một nhà mạng, vị này cho biết: Theo quy định, nếu khách hàng cung cấp chính xác thông tin và những số điện thoại phát sinh gần nhất rồi báo mất sim hoặc muốn khai báo lại dữ liệu cá nhân để tránh bị thu hồi thì nhà mạng không thể từ chối. Nhiều người cứ nghĩ mình cầm số điện thoại trong tay là không thể mất được. Tuy nhiên, đó chỉ là một cái sim với dãy số seri. Chỉ cần vài thao tác nhỏ, nhân viên nhà mạng có thể cài bất cứ số nào vào cái sim đó. Thực tế, người dùng chỉ giữ ID của sim và với cách quản lý, cấp số còn nhiều kẽ hở như hiện nay nếu muốn lấy một số điện thoại nào đó không hề khó.

Như vậy, những ai đang sở hữu sim số đẹp dù cảnh giác cao độ cũng không khỏi lo lắng bất chợt một ngày nào đó ngủ dậy, số điện thoại của mình đã “chạy” sang nhà khác.

Nên sử dụng sim thường xuyên

Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh của Vinaphone xác nhận các vụ tranh chấp quyền sở hữu sim đã từng xảy ra ở nhiều mạng di động chứ không riêng Vinaphone. Tuy nhiên việc giải quyết các tranh chấp này trong nhiều trường hợp khá phức tạp do nhiều nguyên nhân như do khách hàng sử dụng sim lâu nhưng đăng ký thông tin không chính xác, sim không được sử dụng, bị khóa hai chiều nhưng khách hàng không biết cho đến khi sim bị thu hồi và đưa vào tái sử dụng... Cũng có vụ việc thậm chí phải cần sự can thiệp của cơ quan điều tra.

Ông Tú khuyến cáo người dùng dịch vụ di động nên đăng ký thông tin thuê bao chính xác như một biện pháp tự bảo vệ trước những vấn đề có thể phát sinh. Khách hàng đồng thời cũng nên sử dụng sim thường xuyên, tránh việc để bị khóa hai chiều, thu hồi và phát hành lại mà khách hàng không biết. Theo ông Tú từng có trường hợp khách hàng vì phải đi nước ngoài trong thời gian dài đã chủ động thông báo cho nhà mạng để giữ sim. “Khi đó chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ, đưa sim đó vào dạng đặc biệt để xử lý”, đại diện Vinaphone cho biết. Theo quy định hiện tại sau khi sim bị khóa hai chiều khách hàng sẽ chỉ có tối đa 30 ngày để giữ sim. Quá thời hạn này sim sẽ bị thu hồi tái sử dụng. (Tr.Sơn)

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.