Giảm số ca mắc mới
Cụ thể, tính từ 8 giờ sáng 16.8 đến nay, Đà Nẵng đã phát hiện và kiểm soát gần 2.300 ca mắc Covid-19. Tất cả các biện pháp “tại chỗ” được áp dụng, kèm với năng lực xét nghiệm trung bình gần 100.000 lượt người/ngày trên toàn thành phố, đã giúp ngăn chặn lây lan dịch và bóc tách dần các F0 ra khỏi cộng đồng.
Bác sĩ (BS) Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, những ngày đầu khi thực hiện thắt chặt giãn cách “ai ở đâu thì ở đó”, CDC Đà Nẵng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm RT-PCR phù hợp với từng giai đoạn. Số ca mắc phát hiện nhiều và tăng dần trong giai đoạn này, đặc biệt là các ca mắc phát hiện khi xét nghiệm diện rộng, cho thấy Đà Nẵng đã đi đúng hướng trong nỗ lực bóc tách F0.
|
Tuy nhiên, khoảng gần 1 tuần sau đó, ở lần xét nghiệm thứ 2 thì tỷ lệ ca mắc mới có xu hướng giảm. Đặc biệt, sau 2 tuần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, mở rộng quy mô, đối tượng xét nghiệm, Đà Nẵng đã phát hiện nhanh, sớm, bóc tách hàng trăm F0 ra khỏi cộng đồng mỗi ngày, số ca mắc mới từ 3 con số đã giảm còn 2 con số.
“Số ca mắc được phát hiện từ lấy mẫu hộ gia đình giảm mạnh theo các đợt lấy mẫu. Cụ thể, thông qua xét nghiệm, phát hiện 259 trường hợp mắc Covid-19 từ xét nghiệm đại diện hộ gia đình trong tổng số gần 2.300 trường hợp mắc Covid-19. Nhờ làm nhanh chóng, quyết liệt, chính xác và kịp thời nên đã chặn được nguồn lây nhiễm lớn trong thành phố”, BS Thạnh cho biết.
259 trường hợp dương tính trên đã được tách ra khỏi cộng đồng kịp thời, khoanh vùng và xử lý theo quy định; nhiều trường hợp liên quan là F1 chuyển thành F0 cũng được phát hiện ngay sau đó.
Nếu những ngày cao điểm của đợt giãn cách, số ca mắc ở Đà Nẵng luôn duy trì ở 3 con số thì 2 ngày qua, số ca mắc mới đã về mức 2 con số, với 55 ca (ngày 1.9), 42 ca (ngày 2.9).
Khoanh vùng kiểm soát điểm nóng kiệt, hẻm
Cũng theo BS Thạnh, trong gần 20 ngày xét nghiệm đại diện hộ gia đình, Đà Nẵng đã ghi nhận nổi cộm nhiều ca mắc Covid-19 ở nhà trong các kiệt, hẻm.
Thông qua xét nghiệm, các điểm nóng về dịch tại các kiệt, hẻm nhanh chóng được xác định như K524 Hoàng Diệu, K515 Hoàng Diệu, K354 Trưng Nữ Vương, K488 Trưng Nữ Vương (Q.Hải Châu); K72 Đinh Tiên Hoàng, K327 Nguyễn Phước Nguyên (Q.Thanh Khê). Đặc biệt, khu vực phong tỏa tại P.Tam Thuận, chỉ trong thời gian ngắn đã ghi nhận gần 200 ca mắc tại các kiệt, hẻm trên trục đường Trần Cao Vân như K236, K258, K158, K246, K260…
Trải qua gần 20 ngày “ai ở đâu thì ở đó”, Đà Nẵng đã dốc tổng lực xét nghiệm liên tục 4 đợt cho người dân toàn thành phố.
Qua mỗi lần xét nghiệm, kết quả thu được đã giúp địa phương xác định chiến lược chống dịch phù hợp với từng địa bàn, tính chất khu dân cư. Đặc biệt nhất là tập trung lực lượng liên ngành phối hợp tập trung kiểm soát dịch trong các kiệt, hẻm, đảm bảo giữ vững thành quả chống dịch của địa phương. Các phương án kiểm soát người dân khu vực điểm nóng này như kiểm soát bằng flycam, camera an ninh hay giãn dân, tận dụng trường học làm nơi ở tạm để ngăn dịch là những bước đi đang mang hiệu quả.
Bao phủ vắc xin ở từng vùng ưu tiên
Đây là nỗ lực trước mắt được Đà Nẵng xác định tập trung thực hiện để kiểm soát dịch tại địa phương. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ kiểm soát chặt các vùng đỏ với các vùng phong tỏa đủ rộng, kiểm soát chặt các khu vực có nguy cơ cao.
|
Trên cơ sở “Bản đồ dịch tễ Covid-19 tại Đà Nẵng” được thiết lập và cập nhật từng ngày tại địa chỉ congdulieu.vn, người dân có thể chủ động cập nhật để xác định vùng mình đang sống. Liên ngành chức năng cũng sẽ căn cứ vào đó để phân tích, đánh giá tình hình dịch và có những biện pháp xử lý kịp thời.
Đà Nẵng cũng xác định rõ trọng tâm bao phủ vắc xin ở từng vùng ưu tiên. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Địa phương đang tập trung tiêm 108.000 liều vắc xin cho những vùng lõi xanh cần được bảo vệ. Vùng lõi xanh là vùng nằm lọt trong những vùng đỏ đang phong tỏa, chứ không phải ưu tiên cho những vùng xanh rộng lớn có dân cư thưa thớt.
Theo bà Yến, hiện nay nguồn vắc xin còn đang hạn chế, nên phải ưu tiên để tránh lây nhiễm và gia tăng số ca mắc ở các vùng nguy cơ. Sau khi thực hiện phong tỏa vùng đỏ, giữ an toàn cho vùng lõi vùng xanh bằng vắc xin, Đà Nẵng sẽ tiến đến tiêm cho vùng đỏ khi đã được làm sạch để xanh hóa các vùng đỏ này.
Chủ trương tiêm vắc xin Covid-19 cho vùng lõi xanh này sẽ giúp tránh lây lan và cũng bảo vệ được những khu nguy cơ cao, sớm ổn định để mở cửa trở lại đối với các khu phong tỏa này. “Cứ như vậy, khi làm sạch được vùng đỏ, kiểm soát đủ thời gian 2 tuần thì sẽ tiêm vắc xin đầy đủ cho cả vùng và dần mở rộng độ phủ vắc xin theo hướng này. Với tốc độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế về địa phương như hiện nay, tin tưởng đến cuối năm nay, Đà Nẵng sẽ đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng”, bà Yến cho biết.
Chiều tối 3.9, tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, xét về tổng thể, đến ngày 5.9, tròn 20 ngày thực hiện biện pháp phong tỏa cứng TP đã “có thể tự tin kiểm soát được dịch bệnh”. “Dịch bệnh đã nằm trong phạm vi khống chế được. Điều này thể hiện từ việc đã cắt được chuỗi lây nhiễm trên địa bàn toàn TP và có đủ cơ sở để xác định rõ các vùng nguy cơ. Nhìn bản đồ có thể thấy đã đánh giá được các vùng đỏ, vàng, xanh”, ông Quảng nói.
Theo Bí thư Đà Nẵng, diễn biến của mấy ngày qua là số ca phát sinh chủ yếu trong các khu phong tỏa. Còn những ca trong cộng đồng những ngày qua ghi nhận chỉ từ 4 ca, 2 ca, 1 ca… Tất cả những ca cộng đồng có thể đánh giá được mức độ nguy cơ. TP đã chủ động kìm chế được sự gia tăng của F0 để đảm bảo lực lượng y tế kiểm soát việc cách ly, điều trị. Hiện nay, ngành y tế của TP chủ động được 2 việc quan trọng: cách ly tập trung và tổ chức điều trị ở các tầng. “Ngành y tế vẫn kiểm soát được việc điều trị, số ca tử vong rất thấp. Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định đã cơ bản kiểm soát được dịch”, ông Quảng nói.
Hoàng Sơn
|
Bình luận (0)