Đại biểu Quốc hội: Các cuộc thi sắc đẹp đã mang lại lợi ích gì cho xã hội?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/09/2018 14:07 GMT+7

Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiều cử tri băn khoăn về mục đích của các cuộc thi sắc đẹp tràn lan trong thời gian vừa qua.

Tại phiên họp cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19.9, đề cập tới lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri rất phấn khởi với chủ trương phát triển thể thao cũng như những thành tích của ngành thể thao trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, có vấn đề nhiều cử tri băn khoăn là các cuộc thi sắc đẹp thời gian qua quá tràn lan. “Câu hỏi cử tri đặt ra là mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay là gì và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã thấy rằng các cuộc thi này đã đạt được mục đích đặt ra hay chưa?”, bà Hải nêu.
Từ đó, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sớm có tổng kết việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian vừa qua đã mang lại lợi ích gì cho xã hội, để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực, đặc biệt là định hướng lối sống cho giới trẻ.
“Hiện nay có rất nhiều dư âm từ các cuộc thi sắc đẹp, khi nhiều cô gái chỉ sau một ngày, một giờ trở nên nổi tiếng, dẫn đến nhiều vấn đề khác”, bà Hải nêu.
Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn tới văn hóa
Phát biểu với tư cách cơ quan được giao giám sát lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu vấn đề: phát triển văn hóa không thể là câu chuyện 1 năm hay 2 năm, song cũng cần phải thấy con đường đi như thế nào, chiến lược ra sao đối với vấn đề này.
“Có phải chăng chúng ta sa vào quản lý nhà nước cụ thể về luật lệ, quy định, thông tư nhưng chưa hình dung được sau lưng của các hoạt động văn hóa thì đọng lại cái gì?”, ông Bình nêu.
Ông Bình cho biết, trong điều kiện đất nước khó khăn thì đôi khi kinh tế quan trọng hơn, nhưng một vài kỳ Quốc hội gần đây, Quốc hội đã đặt ra nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội. Có phải chăng đất nước chúng ta đã bước qua ngưỡng cao hơn một chút khi không chỉ kinh tế mà đời sống người dân đã khá hơn, nên đã đến lúc nghĩ tới các hoạt động văn hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng, ông chưa nhìn thấy được động thái lớn của Chính phủ về vấn đề văn hóa như thế nào.
“Đây không thể là việc chỉ một Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Thế hệ trẻ của chúng ta đang ra sao, từ đạo đức, tôn trọng luật pháp, và đặc biệt là vấn đề mê tín đang tăng lên thì như thế nào đây?”, ông Bình nói, và cho rằng không thể chỉ nhìn nhận vấn đề phát triển gắn với an ninh, quốc phòng mà phải gắn với nhiều vấn đề khác như môi trường và văn hóa.
Xuống cấp về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội đang ở mức nghiêm trọng
Theo báo cáo tổng hợp thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp, trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát định kỳ. Các văn bản hướng dẫn thực hiện luật Du lịch cũng đã được ban hành.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch được thực hiện đúng quy định. Việc đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật theo đúng định hướng. Việc liên kết hỗ trợ phát triển giữa các địa phương được quan tâm, triển khai đồng bộ và thiết thực. Lượng khách du lịch quốc tế, trong nước đều tăng.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, tình trạng xuống cấp về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội đang ở mức nghiêm trọng. Việc xây dựng tấm gương người tốt, việc tốt hiệu quả chưa rõ rệt, hệ giá trị chuẩn mực đặc trưng của con người mới chưa được xây dựng.
Việc quy hoạch quỹ đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa ở các địa phương còn bất cập; hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa còn chưa cao. Việc quy hoạch quỹ đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa ở các địa phương còn bất cập.
Quá trình đô thị hóa mạnh ở Việt Nam đã bộc lộ các mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa và phát triển đô thị tại các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ, khai thác và phát huy đối với một số di tích lịch sử, văn hóa chưa rõ nét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.