Đại biểu Quốc hội lo tài sản doanh nghiệp nhà nước chỉ có trong sổ sách

Vũ Hân
Vũ Hân
28/05/2018 15:16 GMT+7

Lấy ví dụ trên sổ sách, Vinashin nợ 86.000 tỉ, tổng tài sản nắm giữ là 103.000 tỉ, hoàn toàn có khả năng thanh toán, nhưng thực tế lại phá sản, ĐBQH lo tài sản của doanh nghiệp Nhà nước chỉ có trên sổ sách.

Thảo luận tại hội trường sáng 28.5 về Báo cáo giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, ngoài 17 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả với tổng mức lỗ lũy kế 17.000 tỉ đồng, các DNNN khác đều có lãi. Năm 2016, các DNNN có lợi nhuận hơn 136.000 tỉ đồng, hệ số khả năng thanh toán vẫn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
“Số liệu trên xét về bản thân tiêu chí thì tốt, doanh nghiệp vẫn an toàn, nhưng chúng ta còn nhớ vụ Vinashin, tổng tài sản của doanh nghiệp này là 103.000 tỉ, nợ trên sổ sách là 86.000 tỉ, tức là Vinashin vẫn còn khả năng thanh toán, vậy tại sao Vinashin lại phá sản?”, đại biểu đặt câu hỏi, và cho rằng: “Thực chất hệ số khả năng thanh toán hay hệ số nợ chỉ là các tiêu đánh giá được khả năng an toàn về vốn, còn đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cần có thêm các chỉ tiêu khác như tỷ suất lợi nhuận đầu tư, tỷ suất sinh lời trên tài sản, trên cổ phần, trên tổng vốn”.
Theo đại biểu, rất nhiều doanh nghiệp thực chất hoạt động cầm chừng, quy mô kinh doanh ngày càng bị thu hẹp, lợi nhuận không có, nếu chỉ đánh giá khả năng thanh toán hay cơ cấu tài sản sẽ mang đến một cái nhìn thiếu toàn diện.
Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cũng bày tỏ lo ngại vì cho đến nay, hầu hết các DNNN chỉ bảo toàn vốn về tài sản, giá trị trên sổ sách, còn trên thực tế thì vốn đã co hẹp, có đơn vị thậm chí gần như mất hết, do không tính toán bù đắp được yếu tố trượt giá cũng như các hao mòn tài sản vô hình.
“Chính sách khấu hao, bảo toàn vốn nhà nước cần phải được nghiên cứu, xem xét lại để làm sao vốn lúc này là một chiếc ô tô, nhưng 10, 20 năm sau, vốn đó vẫn phải đủ giá trị để mua 1 chiếc xe có tính năng tương đương, có như vậy mới bảo toàn được về mặt hiện vật của vốn, tài sản trong DNNN”, đại biểu Lịch khuyến nghị.
Cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu này lo ngại về việc thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa, do việc định giá giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế, nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một số vị trí đắc địa không được đánh giá đúng, nhiều doanh nghiệp bị bán với giá bèo bọt.
“Có một thực trạng, tài sản nhà nước mua vào thì luôn bị đánh giá cao lên, còn tài sản nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp đi, thực tế này diễn ra không phải ít trong thời gian qua”, đại biểu nêu.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Lịch cho rằng, không cách nào hay hơn là phải công khai, minh bạch mọi việc mua bán tài sản nhà nước.
Theo đại biểu, thực tế, những doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà nước giữ chi phối thì phương thức quản lý, huy động có thay đổi nhưng hiệu quả tăng lên cũng chưa nhiều, vẫn do ông chủ một số cơ quan nhà nước nào đó quyết định.
Những DNNN không còn giữ vốn chi phối thì phần vốn nhà nước còn lại trong doanh nghiệp này thường bị một vài cổ đông lợi dụng để duy trì quyền lực lãnh đạo trong doanh nghiệp mà không phải bỏ vốn của cá nhân mình chi phối. Đây là vấn đề thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn cách thức quản lý, quản trị sao cho hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.