Đại biểu Quốc hội tranh luận việc xây dựng luật Phòng chống phản bội Tổ quốc

Vũ Hân
Vũ Hân
25/05/2018 10:57 GMT+7

Lý do đại biểu đề xuất cần có luật trên là Hiến pháp 2013 quy định phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất, nhưng đến nay chưa có luật quy định cụ thể để nhận diện đâu là đối tượng, hành vi phản bội Tổ quốc.

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay, 25.5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất xây dựng luật Phòng chống phản bội Tổ quốc.
Theo lý lẽ của đại biểu, điều 44 Hiến pháp 2013 quy định công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc và phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất. Tuy nhiên, theo ông, đến thời điểm hiện tại, Quốc hội vẫn chưa có kế hoạch xây dựng luật Phòng chống phản bội Tổ quốc, để mọi người nhận diện đâu là đối tượng, hành vi phản bội Tổ quốc.
Do đó, đại biểu này đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng luật này để giúp các cá nhân thể hiện lòng yêu nước và tham gia bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.
Trái ngược quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng không nên đặt vấn đề có luật Phòng chống phản bội Tổ quốc, vì tội này đã được thể chế hóa trong bộ luật Hình sự và các luật bảo vệ Tổ quốc liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Biển số đẹp để đấu giá hay phục vụ quản lý?
Phát biểu trước khi đề xuất xây dựng luật Phòng chống phản bội Tổ quốc, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, trong xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế, chưa thể hiện nguyện vọng cử tri, và dẫn chứng liên quan đến quy định đấu giá biển số xe đang được Chính phủ dự thảo.
Đại biểu Cảnh dẫn ví dụ: kho số viễn thông, kho số khác là tài sản công, trong đó có biển số xe; nếu triển khai đấu giá biển xe thì hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỉ đồng, song khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì chỉ nêu đấu giá biển số đẹp chiếm chưa tới 1% kho số.
Theo ông Cảnh, trong kho số có hơn 12% biển số xe có thể được xếp vào diện biển đẹp, chứ không phải số lượng chưa đến 1% như dự thảo Nghị định khống chế. Ngoài ra, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số tiếp tục với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách.
"Từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỉ đồng, rất lãng phí", ông Cảnh nói và đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.
Giơ biển tranh luận ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) bày tỏ trân trọng tâm huyết của đại biểu Cảnh, nhưng lại nêu một số quan ngại. Theo đại biểu Hồng, trên thế giới có một số nước thực hiện đấu giá  biển số đẹp, nhưng nhiều nước không làm.
“Bản chất của biển số đẹp là phục vụ quản lý nhà nước, khác hẳn số điện thoại, nó giống số căn cước công dân, sinh ra để làm nhiệm vụ quản lý, chứ không phải tài sản theo nghĩa đấu giá, để bán", đại biểu Hồng nói, và đề nghị Chính phủ nên cân nhắc, vì con số cả nghìn tỉ đó không phải sẽ lập tức thu được vào ngân sách, mà giá cả thay đổi theo từng thời kỳ, tâm lý của người dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.