Lần đầu tiên tổ chức một đại hội tầm khu vực, cơ sở hạ tầng, các điều kiện vật chất còn rất thô sơ - tôi nhấn mạnh, còn rất thô sơ, bởi đôi khi vài công trình xây dựng mới khiến chúng ta choáng ngợp, dễ rơi vào bệnh phô trương quá lố, thật ra, so với các nước đã tổ chức đại hội trước ta, ta còn rất kém - lại thiếu kinh nghiệm tổ chức, cả trình độ yếu - bộ máy chưa hoàn chỉnh, cung cách điều hành cũng vậy. Tự biết để sửa "tại chỗ", "sửa lập tức", thấy chưa ổn đâu sửa đó, tránh lấy số lượng thay chất lượng.
Tôi muốn lưu ý điều sau đây: Việt Nam là một nước đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức ngoài đặc thù Việt Nam đang đổi mới từ một nước yếu kém về kinh tế và trải qua nhiều chục năm chiến tranh ác liệt thì một đặc thù khác mà thế nào thiên hạ cũng nhìn để đánh giá - phong thái xã hội chủ nghĩa thể hiện như thế nào. Đương nhiên đây là vấn đề rất phức tạp song lại không thể coi thường. Danh dự quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện và chúng ta còn sẽ là nước đăng cai nhiều lần nữa các đại hội.
Ai cũng ít nhiều lo ngại quanh giải bóng đá - chỗ dễ bị “cá độ tặc” thâm nhập. Có cá độ tại chỗ, có các tay cờ bạc quốc tế, chúng ta lại vừa bị vụ Vũ Như Thành khá đau. Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vừa cảnh báo 8 quốc gia tham dự Đại hội 22: Coi chừng tệ nạn dàn xếp tỷ số - từng xảy ra trước đây ở một số lần đại hội, mà Malaysia đã “thân bại danh liệt”, nhờ Liên đoàn Bóng đá nước này kiên quyết đối phó nên mới có vị thế hôm nay. Liên đoàn Bóng đá châu Á cảnh báo riêng Việt Nam: Nếu điều này xảy ra, Việt Nam không đề phòng và diệt nạn cá độ, dàn xếp tỷ số thì chúng sẽ tàn phá không chỉ đối với các Liên đoàn Bóng đá mà đối với nước chủ nhà SEA Games 2003”.
Chính phủ ta hoàn toàn chín chắn khi nhấn mạnh rằng vận động viên Việt Nam sẽ nỗ lực giành thắng lợi cao hơn hết ở các bộ môn thi đấu đồng thời không phải giành thắng lợi với bất cứ giá nào. Số lượng huy chương quan trọng thật, nhưng cách giành được số huy chương ấy - trung thực hay không - còn quan trọng hơn. Có sao đâu, nếu chúng ta thua vì chúng ta kém, đồng thời sẽ "rất ra sao" nếu chúng ta chạy theo số lượng huy chương, bất kể có xứng đáng hay không. Tôi nghĩ đó là chỉ đạo cực kỳ quan trọng của Chính phủ và sự chỉ đạo ấy xuất phát từ lòng tự trọng dân tộc. Chúng ta hy vọng thành tích của các vận động viên Việt Nam sẽ cao - thực sự, nước chủ nhà nào cũng có một lợi thế nhất định và người Việt Nam đương nhiên ủng hộ đại diện của mình. Nhưng, kể cả trong điều kiện như vậy, chúng ta không đạt môn này, môn khác thì coi như dịp rút kinh nghiệm, học hỏi để tự nâng mình. Văn hóa là chuyện lâu dài, không đo đạc bằng những kỳ đại hội, càng không đo đạc bằng nhiệm kỳ mà cơ quan phụ trách hay những cá nhân trực tiếp điều khiển.
Chắc chắn nền thể thao Việt Nam sẽ trưởng thành và bè bạn nhận được, qua đại hội, cái gì là tinh chất của Việt Nam trong thời đại hiện nay..
11/2003
Trần Bạch Đằng
Bình luận (0)