So với nhiệm kỳ trước, kinh tế chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của cả năm chỉ đạt 2,91% là mức thấp nhất trong khoảng vài chục năm trở lại đây, song với mức tăng trưởng này, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 là 5,9% - cũng thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế cũng tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 2020 quy mô nền kinh tế VN ước tính đạt trên 340 tỉ USD, vượt Singapore và Malaysia, đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.

GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Điều đó càng ý nghĩa khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 4%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (7,65%). Cạnh đó, lạm phát bình quân được kiểm soát ổn định ở mức dưới 4%. Nợ xấu giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tỷ lện nợ xấu mới cộng với nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn giảm từ mức 10,08% cuối năm 2016 xuống chỉ còn 4,36% hết năm 2020. Nợ công cũng giảm mạnh. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 56-57% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP. Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019.

Thu hút vốn FDI và số dự án tăng mạnh trong giai đoạn giai đoạn 2016 – 2019. Giai đoạn này, kinh tế thế giới chưa có những cải thiện đáng kể về mức tăng trưởng, dao động từ 3,1% đến 3,7%. Đối với Việt Nam, đây là giai đoạn tăng cường hội nhập sâu với thế giới và có những cải thiện về chính sách liên quan đến đầu tư.

Trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại  VN đã nhận định, VN là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới và “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2020 là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.

Bức tranh sáng sủa của nền kinh tế còn được nhìn thấy qua nhiều kết quả quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Trong cả nhiệm kỳ, hoạt động đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ với điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục; công tác phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu đi liền với kiềm chế siêu đạt hiệu quả cao. từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỉ USD (năm 2016), 2,11 tỉ USD (năm 2017), 6,83 tỉ USD (năm 2018), 10,87 tỉ USD (năm 2019). Riêng 9 tháng đầu năm 2020, xuất siêu đạt 16,5 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực.

Xuất khẩu nông sản có bước tiến mới (ảnh Phan Hậu)

Sự những kỷ lục của hoạt động xuất nhập khẩu một phần là nhờ rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong nhiệm kỳ vừa qua. Đáng kể nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP được Việt Nam ký cùng 10 quốc gia khác vào ngày 8.3.2018 và Hiệp định thương mại giữa EU với VN (EVFTA) được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 8.6.2020. Trong 2 tháng cuối năm 2020, Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand); kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Vương quốc Anh - Việt Nam.

Các FTA được ký kết được đánh giá là mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn với CPTPP, các nước cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Tính toán của Bộ KH-ĐT cho hay, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của. Còn đối với EVFTA, báo cáo sơ bộ của Bộ KH-ĐT, ngay năm đầu thực thi (2020), tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu dự kiến là 20%. 10 năm sau, con số thậm chí có thể tăng trưởng 80%.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, nền sản xuất công nghiệp vẫn đánh giá là “trình độ còn thấp”, chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao đã cùng chứng kiến một sự kiện mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi là “kỳ tích” của Việt Nam. Đó là vào ngày 14.6.2019 nhà máy sản xuất ô tô VinFast (Cát Hải, TP. Hải Phòng) đã được khánh thành và 3 ngày sau, hàng trăm chiếc xe VinFast Fadil đã đến tay người tiêu dùng Việt, đánh dấu ngành công nghiệp xe hơi trong nước đã sản xuất hàng loạt chiếc xe thương hiệu Việt. Sau Fadil, VinFast đã cho xuất xướng thêm các dòng xe khác. Bên cạnh đó, việc một tập đoàn như VinGroup đầu tư vào sản xuất công nghiệp được nhiều chuyên gia đánh giá là bước chuyển tích cực khi hầu hết các tập đoàn lớn tại Việt Nam chủ yếu làm giàu nhờ đầu tư bất động sản và dịch vụ.

Cùng với những bước tiến trong công nghiệp sản xuất, ngành công nghiệp năng lượng trong 5 năm qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng kỷ lục của ngành năng lượng tái tạo, góp phần giảm tải việc thiếu điện.

Nếu như đầu 2016, cả nước có chưa tới 100MW điện gió và điện mặt trời và quy hoạch điện 7 xây dựng năm 2016 đặt mục tiêu đến 2020 có khoảng 1.650 MW cho cả 2 loại hình thì tính đến hết 2020 tổng công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời đã vượt con số 7.000 MW, chưa tính hơn 1.200MW điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, trong vài tháng giữa năm 2019, có tới 90 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành, 1 con số được gọi là “chưa có tiền lệ” ngay cả trên thế giới. Hiện tại, tổng công suất của điện năng lượng tái tạo đã chiếm trên 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện. Trong quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công thương xây dựng cũng xác định, sẽ tập trung cho nguồn năng lượng tái tạo.

Báo Thanh Niên
08.01.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.