Đại tướng Ngô Xuân Lịch vừa thay mặt Bộ Quốc phòng báo cáo trước Đại hội XII một số nhiệm vụ, giải pháp chính Quân đội tập trung thực hiện trong những năm tới.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đại hội 12 sáng 22.1 |
Đã có bước đột phá về trang bị
Báo cáo trước Đại hội XII về nội dung Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, ông Ngô Xuân Lịch, Bí thư T.Ư Đảng khóa 11, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, đoàn đại biểu Quân đội nhất trí và đánh giá cao chất lượng dự thảo các văn kiện T.Ư trình Đại hội và xin tham gia một số ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị, nhằm “góp phần làm sâu sắc thêm về lĩnh vực quốc phòng quân sự, bảo vệ Tổ quốc”.
Trong bài phát biểu, ông Ngô Xuân Lịch nhìn nhận 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta, “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang. Cùng với đó là những diễn biến mới phức tạp ở Biển Đông…
Song, theo ông Lịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành T.Ư và cấp ủy chính quyền các địa phương, Đảng bộ Quân đội và toàn dân đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong bài phát biểu, ông Lịch cũng nêu rõ những kết quả nổi bật Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã làm được, như thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, chủ động phối hợp với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…
Trong 5 năm qua, được sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng Quân đội theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng đã có bước đột phá về trang bị, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
“Quân đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, khắc phục hậu quả của chiến tranh; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, cứu hộ cứu nạn và tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hiệp quốc…; thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa phương, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, ông Ngô Xuân Lịch báo cáo.
Đáng chú ý, theo ông Lịch, nền công nghiệp quốc phòng đã có bước phát triển mới, đã nghiên cứu chế tạo và làm chủ công nghệ sản xuất một số loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật.
Tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh”
Theo đại tướng Ngô Xuân Lịch, những năm tới, thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, rất khó lường; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố và các thách thức phi truyền thống diễn biến phức tạp với nhiều đặc điểm mới… Trong nước, trước xu thế hội nhập và mối quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh lợi ích giữa các nước, chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng hoạt động “Diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta… Tình hình Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới.
Để thực hiện được vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm chính trị, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó, ông Lịch đề xuất một số vấn đề thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” theo hướng bổ sung, nhấn mạnh và làm rõ những nội dung mới, nội dung cơ bản, cốt lõi mà Dự thảo văn kiện đề cập, mà theo ông Lịch, đó cũng là 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính Quân đội tập trung thực hiện trong những năm tới.
Theo đó, bên cạnh nhóm giải pháp đầu tiên là tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc…, ông Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh đến nhóm giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ông Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn cả nước. Đó là nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, được cấu thành trên cơ sở nguồn lực quốc gia và trong nhân dân, từ nhân dân, mang đậm tính chất tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào.
“Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, Quân đội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tiễn và đặc điểm, thế mạnh của từng địa bàn, khu vực, nhất là địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và vùng biên giới, biển đảo cuả Tổ quốc. Trong đó, trọng tâm là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở”, đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Giải pháp không kém phần quan trọng khác là đẩy mạnh xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể hơn là xây dựng Quân đội từng bước hiện đại, số lực lượng được ưu tiên hiện đại hoá sẽ tiếp tục được mở rộng so với nhiệm kỳ Đại hội 11. Còn mở rộng đến đâu, hiện đại hoá những lực lượng nào và mức độ ra sao là tùy thuộc vào tình hình thực tế và khả năng, nguồn lực của đất nước.
Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cùng với đó, Quân đội thực hiện tốt Đề án tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu tổ chức phù hợp, thành phần quân chủng, binh chủng cân đối, hợp lý; tiếp tục điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các địa bàn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước trong tình hình mới.
Cuối bài phát biểu, ông Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, việc dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước. Xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ thời bình là kế sách "lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy".
Bình luận (0)