Đảng, Nhà nước đánh giá cao công lao, đóng góp quan trọng của báo chí

09/01/2007 23:49 GMT+7

Chủ trì hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác lãnh đạo và quản lý báo chí (9/1) tổ chức tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của báo chí, coi trọng đội ngũ cán bộ báo chí, quan tâm tới công tác lãnh đạo, quản lý báo chí để báo chí đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với báo chí, đồng thời cũng cho thấy cùng với những thành tích và ưu điểm cơ bản, hoạt động báo chí còn có những hạn chế, khuyết điểm, cần được tăng cường lãnh đạo, quản lý. Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Nhìn chung, phần lớn các cơ quan báo chí đã hoạt động đúng định hướng chính trị, đúng pháp luật, thực hiện đúng chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước; góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống "diễn biến hòa bình", góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Báo chí cũng đã góp phần tích cực làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, thành tựu đổi mới của đất nước ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao những công lao, đóng góp quan trọng của báo chí trong các thời kỳ cách mạng trước đây và trong 20 năm đổi mới vừa qua.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí của ta cũng còn những yếu kém, khuyết điểm, chậm được khắc phục. Một số cơ quan báo chí chưa tự giác chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, có biểu hiện coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, xa rời tôn chỉ mục đích; thiếu nhạy bén chính trị, bị khuynh hướng "thương mại hóa" chi phối, chạy theo thị hiếu tầm thường, nặng thông tin về hiện tượng tiêu cực, yếu kém, mặt trái của xã hội, thổi phồng, khoét sâu vào các thiếu sót, khuyết điểm, làm "nóng" lên một số vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của các ngành, địa phương một cách thiếu ý thức; đăng cả nhưng thông tin mật của Nhà nước, những bí mật kinh tế liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khai thác đời tư cá nhân, vi phạm luật báo chí, ít chú ý đến việc phát hiện, cổ vũ biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một số tờ báo đăng những thông tin sai sự thật, suy diễn chủ quan, khi biết sai không cải chính hoặc cải chính không nghiêm túc; khai thác và sử dụng thông tin của báo chí bên ngoài thiếu chọn lọc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, truyền thống của văn hóa dân tộc... Những yếu kém, khuyết điểm này tuy chỉ diễn ra ở một số tờ báo, đài, nhưng tác hại và hậu quả của nó thì lớn, gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, lợi ích kinh tế của đất nước, gây khó khăn cho sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, gây lo lắng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới; để các thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ, đả kích, chống phá Đảng ta, chế độ ta; làm xấu đi hình ảnh đất nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế. Những yếu kém này nếu không được khắc phục kịp thời thì sẽ là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước, không thể xem thường...".

Qua hai ngày làm việc, kết luận hội nghị, ông Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nêu rõ: Mục đích, nhiệm vụ mà Ban Bí thư đặt ra cho hội nghị là phát huy tinh thần nghiêm túc, khoa học, nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình để xem xét, đánh giá thực trạng đời sống báo chí; chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước; vai trò của các cơ quan chủ quản; vai trò của các tổng biên tập, các giám đốc, các ban biên tập đối với hoạt động báo chí. Thông báo kết luận 162 - TB/TW đã đánh giá chính xác thực trạng báo chí sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị 22 - CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) và một số văn kiện quan trọng khác của Đảng, Nhà nước về báo chí.

Ông Tô Huy Rứa cũng chỉ rõ những mặt yếu kém, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí và hoạt động báo chí. Về những hạn chế, thiếu sót mà báo chí mắc phải thời gian qua, có nguyên nhân thuộc về chủ quan, trong đó, có việc sự lãnh đạo, quản lý đôi khi còn lúng túng, chậm trễ, thiếu sắc bén. Cơ chế chỉ đạo thông tin, cung cấp nguồn tin cho báo chí còn thiếu khoa học, thiếu thống nhất, thiếu đầu mối, thiếu người chịu trách nhiệm. Ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh: dù nói về tích cực hay tiêu cực thì báo chí phải làm cho công chúng tin tưởng, noi theo cái đẹp, cái tốt, cái thiện; lên án cái xấu, cái ác...

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.