Đăng tin sai dịch tả lợn châu Phi, chủ fanpage có thể bị phạt 20 triệu đồng

11/03/2019 17:41 GMT+7

Đăng thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu phi , chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami sẽ bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng.

[VIDEO] Căng thẳng trong vùng dịch tả lợn châu Phi 
Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, 11.3, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết trong chiều cùng ngày, chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang  Mami Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã có buổi làm việc với Cục xung quanh thông tin dịch tả lợn châu Phi mà người này đã đăng tải.
Theo ông Lê Quang Tự Do, trong buổi làm việc, chủ tài khoản này đã thừa nhận và nhận thức rõ hành vi đưa thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.
Ngay từ ngày 4.3, trang fanpage Đầm bầu thời trang  Mami đã gỡ bỏ nội dung này và gửi thông tin đến các đối tác thông báo những nội dung đã đăng tải về dịch tả lợn châu Phi có lây sang người là không đúng sự thật.
Bên cạnh đó, fanpage Đầm bầu thời trang Mami cũng đăng tải thư xin lỗi những người theo dõi trên trang này về những thông tin liên quan đến dịch tả lợn châu Phi khiến người đọc hoang mang.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, ngay sau khi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử gửi giấy mời làm việc, chủ trang fanpage này tiếp nhận đầy đủ thông tin, chủ động các biện pháp khắc phục hậu quả và đến làm việc đúng giờ, cũng như ký nhận biên bản thừa nhận các hành vi sai phạm, chấp nhận bị xử phạt hành chính.
“Trong những ngày tới, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi đăng tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi trên trang fanpage, theo quy định hiện nay thì mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng”, ông Do nói.
Trước đó, ngày 8.3, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi Bộ TT-TT kiến nghị tăng cường kiểm tra, xác minh và xử phạt đối với các tài khoản mạng xã hội đăng tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã “điểm danh” trang fanpage Đầm bầu thời trang Mami.
Trang fangage này đã sử dụng hình ảnh thịt lợn bị nhiễm sán ở Bình Dương từ tháng 11.2018 để thông tin về dịch tả lợn châu Phi, và kêu gọi mọi người ngưng sử dụng thịt lợn vì cho rằng có thể lây bệnh sang cho con người. Nhưng đây là thông tin không chính xác, khi Bộ NN-PTNT khẳng định đây là bệnh chỉ lây lan trên đàn lợn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngay trong ngày, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử có xác minh bước đầu về tài khoản này và gửi giấy mới yêu cầu chủ trang fanpage đến làm việc để làm rõ các thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi khiến dư luận hoang mang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.