Đây là 'thời gian vàng để chuẩn bị' chống Covid-19, không phải lúc nghỉ ngơi

Vũ Hân
Vũ Hân
06/04/2020 18:09 GMT+7

“Chúng ta đã chống dịch Covid-19 rất lâu rồi , tới nay là 65 ngày. Đi đường dài mà không chuẩn bị kỹ về tinh thần, vật chất, thì khi dịch bùng phát, rất dễ thất bại ngay trận đầu”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói sáng 6.4.

Tại thời điểm này, số ca Covid-19 ghi nhận ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang giảm. Trước sáng nay, 6.4, Hà Nội đã có 24 tiếng đồng hồ không ghi nhận ca Covid-19 mới.
Tuy nhiên, tại buổi giao ban của UBND TP sáng 6.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, lúc này là “thời gian vàng để chuẩn bị”, chứ “không phải lúc nghỉ ngơi”.

Công bố bệnh nhân thứ 242, 243, 244, 245 nhiễm Covid-19

Dẫn ví dụ bệnh nhân 237 người Thụy Điển chỉ điều tra trong vòng mấy tiếng đồng hồ đã kéo theo hơn 100 trường hợp F1, hơn 200 người F2, tổng là hơn 400 trường hợp; liên quan đến bệnh nhân 17 và bệnh nhân 21, có tới hơn 2.100 người F1 và F2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, nếu để bùng phát 100, 200 ca bệnh, sẽ không có người đủ để xác minh, điều tra dịch tễ.
Do đó, “biện pháp Thủ tướng đã đề ra là phương án giãn cách xã hội, cách ly xã hội là phương án tối ưu, phương án duy nhất chúng ta đang lựa chọn”, theo ông Chung.
“Tôi đã từng cảnh báo, chúng ta đã làm rất dài, rất lâu, đến hơn 65 ngày. Đến nay, học sinh, sinh viên cũng nghỉ học hơn 2 tháng. Những người đi đường dài, nếu không chuẩn bị tốt tinh thần, vật chất, thì nếu thời gian tới bùng phát, rất dễ thất bại trong trận đầu. Do vậy, đây là thời gian phải tổng lực rà soát và chuẩn bị”, ông Chung lưu ý.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chủ trì; chủ tịch UBND các quận, huyện đôn đốc các bệnh viện rà soát lại các trang thiết bị y tế để đảm bảo tốt nhất cho công tác phòng dịch, khám chữa bệnh, chuẩn bị cho việc nhu cầu sẽ tăng cao thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc này cũng chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh kéo dài trên phạm vi toàn cầu, gây ra đứt gãy các chuỗi cung ứng về các sản phẩm phục vụ cho ngành y. Theo ông Chung, “nếu không chuẩn bị tốt, rất dễ khủng hoảng về trang thiết bị, gây tăng giá, tăng áp lực cho bảo hiểm, người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, không có thu nhập”.
Ông Chung yêu cầu tổ chức ngay các gói đấu thầu vật tư tiêu hao, vật tư y tế cho các cơ sở. Sở Tài chính được bố trí đủ vốn để đấu thầu ngay trong tháng 4.
Qua đánh giá diễn biến dịch bệnh trên thế giới, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, trong chống dịch, hiện có 2 trường phái: một là các nước có giải pháp chần chừ, không quyết liệt, hiện dẫn đến hậu quả là hệ thống y tế sụp đổ, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn người chết.
Hai là chống dịch một cách quyết liệt, là cách mà Việt Nam đang chọn. Theo đó, Việt Nam đã kiềm chế được số lây nhiễm, chưa có trường hợp tử vong, giảm gánh nặng cho y tế, có thêm thời gian để chuẩn bị và thêm thời gian để học hỏi kinh nghiệm từ các nước.
Theo đó, ông Chung yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, không được chủ quan vào lúc này, cần chuẩn bị tinh thần ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.