Dạy và cấp bằng lái xe cho học sinh ?

Mai Hà
Mai Hà
22/04/2018 08:32 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất đưa chương trình học luật Giao thông đường bộ vào bậc học trung học phổ thông, khi tốt nghiệp sẽ cho thi lấy giấy phép lái xe mô tô và ô tô.

Làm việc với Bộ GTVT mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất đưa chương trình học luật Giao thông đường bộ vào bậc học trung học phổ thông để giới trẻ nắm chắc luật, đặc biệt khi tốt nghiệp sẽ cho thi lấy giấy phép lái xe mô tô và ô tô.
Lý do, theo ông Chung, hầu hết tại nước ngoài học sinh (HS) đến 18 tuổi đã có bằng lái ô tô, trong khi HS Hà Nội nói riêng và VN nói chung hầu như chưa được học luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Đây không phải lần đầu tiên đề xuất này được ông Chung đưa ra. Từ năm 2014, khi còn là Giám đốc Công an và đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, ông Chung cũng đề xuất trên diễn đàn Quốc hội về mong muốn có chương trình đào tạo để khi HS ra trường là có bằng lái ô tô, nghĩa là phải đào tạo ngay trong nhà trường chứ không phải ra trường mới đi học lái xe.
Đồng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho rằng việc đưa chương trình học luật GTĐB cũng như học lái xe vào dạy ở bậc phổ thông là điều đã được ủy ban theo đuổi từ lâu.
CSGT xử phạt học sinh vi phạm giao thông
Thi lấy bằng trước hay phải đủ 18 tuổi ?
Ủng hộ việc cần thiết dạy luật GTĐB tại trường học, nhưng ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN - đơn vị quản lý thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX), lưu ý theo quy định của luật GTĐB 2008, người đủ 18 tuổi trở lên mới có thể thi lấy GPLX hạng A1 (lái mô tô 2 bánh dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175 cm3), B1 (ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi...)... “HS PTTH có thể sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe có dung tích động cơ dưới 50 cm3, nhưng trên 50 cm3 thì phải đủ 18 tuổi trở lên. Việc cấp bằng phải đáp ứng đúng quy định về độ tuổi”, ông Quân nói và cho biết một số nước cho phép HS trung học phổ thông được học và thi lấy GPLX ô tô từ khi 16 tuổi, nhưng đa số các nước đều cấp bằng khi đủ 18 tuổi. “Việc thi lấy bằng lái khi đủ 18 tuổi không chỉ theo luật, mà còn đủ tuổi hành vi chịu trách nhiệm công dân, có trách nhiệm với xã hội khi điều khiển phương tiện xe máy, ô tô”, ông Quân phân tích.
TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, thông tin tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở trẻ em VN vẫn còn cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM các vụ TNGT liên quan đến trẻ em hoặc trẻ em là nạn nhân có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011 - 2016. Tỷ lệ thiệt mạng do TNGT của HS cấp 3 tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 HS, cao hơn nhiều tỷ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á (gấp 1,25 lần của Campuchia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần của Hàn Quốc).
Tại TP.HCM, số trẻ em tử vong do TNGT tăng nhanh, từ 35 em (2013) lên 61 (2014) và 111 em (2015). HS cấp 3 (16 - 18 tuổi) là đối tượng bị TNGT và tử vong cao nhất, trên 80% các vụ TNGT xảy ra khi trẻ em đang cầm lái điều khiển phương tiện. Mức rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP.HCM gấp 3 - 4 lần mức trung bình của người dân TP; gấp 8 - 9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
“Việc dạy luật GTĐB và đào tạo GPLX cho HS khối trung học phổ thông là cần thiết để khắc phục những tồn tại về nguy cơ TNGT trong nhóm đối tượng này. Trong đó, việc giáo dục kiến thức về ATGT không phải đợi đến trung học phổ thông mà phải tiến hành ngay từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc cấp bằng chính thức phải theo quy định pháp luật về độ tuổi cho phép trong luật GTĐB, hiện nay là từ 18 tuổi trở lên”, TS Minh nêu quan điểm.
Dù bị cấm và chưa có bằng lái xe máy, nhưng nhiều học sinh tại Hà Nội vẫn điều khiển xe máy tham gia giao thông Ảnh: Ngọc Thắng
Theo ông Đặng Văn Chung, Vụ phó Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN, nếu áp dụng học và thi cấp GPLX ngay trong trường phổ thông sẽ phải áp dụng chương trình riêng và sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch cấp GPLX. “Việc đào tạo GPLX với xe máy chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, với bằng B1, B2 theo yêu cầu là 3 tháng. Có thể áp dụng chương trình dạy học GPLX cho HS vào lớp 12, với các em đủ 18 tuổi có thể thi lấy bằng ngay khi trong trường, hoặc thi lấy bằng ngay khi tốt nghiệp phổ thông lúc đã đủ tuổi. Nếu thực hiện theo điều này thì không cần sửa thông tư hay sửa luật”, ông Chung nhìn nhận.
Lo mất an toàn khi lưu thông
Thực tế, việc đào tạo, thi lấy GPLX ngay trong trường cấp 3 cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau ở chính các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh đồng tình, nhưng cũng rất nhiều người lo lắng. Chị T.T.V, một phụ huynh có con đang học tại Hà Nội, lo ngại nếu cho phép thi lấy GPLX khi các em chưa đủ 18 tuổi sẽ không an toàn do chưa đủ thể trạng, kiến thức. “Một số nước cho phép HS phổ thông có bằng lái ô tô, nhưng quy định rất chặt chẽ. Ngoài ra thể trạng con người ở họ tốt hơn, trật tự giao thông tốt hơn VN. Luật đã quy định đủ 18 tuổi mới được thi lấy bằng lái xe thì phải tuân thủ. Việc một số HS làm sai quy định như đi xe máy... thì phải tăng kiểm soát từ chính nhà trường, phụ huynh”, chị V. nhìn nhận.
Theo TS Trần Hữu Minh, kinh nghiệm quốc tế với những lái xe trẻ, vừa mới lấy bằng, có thể có thời gian thử nghiệm (cấp bằng tạm thời); đồng thời dùng công cụ về kinh tế là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự để tính toán theo mức độ rủi ro của phương tiện và người lái. “Những người trẻ ít kinh nghiệm, khả năng kiềm chế, kiến thức, kỹ năng còn đang phát triển sẽ đóng mức bảo hiểm cao hơn, qua đó luôn nhắc nhở họ phải lái xe an toàn”, ông Minh nói. Mặt khác, để được đào tạo GPLX, các em phải đáp ứng đầy đủ điều kiện sức khỏe theo Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế - Bộ GTVT ban hành.
“Trong các cuộc họp trực tuyến tổng kết ATGT năm 2017 và kế hoạch năm 2018, các vấn đề về đào tạo luật GTĐB hay đào tạo GPLX đã được Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia kết luận, trong đó giao cho các bộ GTVT, GD-ĐT phối hợp để xây dựng nội dung quy định về đào tạo các kiến thức kỹ năng cơ bản cho HS. Đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn, là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế và chắc chắn sẽ được triển khai sớm”, ông Minh cho biết.
Điều khiển xe dưới 50 cm3 cũng cần phải có chứng chỉ về ATGT
Theo TS Trần Hữu Minh, tại VN có thể thấy một bất cập lớn là dù bị cấm nhưng thực tế nhiều HS trung học phổ thông đã tự điều khiển xe mô tô trên 50 cm3 tham gia lưu thông, dẫn đến nguy cơ mất ATGT cao. Ngay việc HS phổ thông điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có dung tích động cơ nhỏ hơn 50 cm3 tham gia giao thông cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, do các em không có bất cứ chứng chỉ bằng cấp gì, trong khi cả kiến thức về ATGT và kỹ năng điều khiển phương tiện của các em còn rất hạn chế. “Với những HS dưới 18 tuổi, chưa đủ điều kiện cấp bằng, nếu muốn điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50 cm3 phải có chứng chỉ cơ bản nhằm bảo đảm các em có đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia giao thông một cách an toàn”, ông Minh kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.